ThienNhien.Net – Phải chăng tình trạng ngập ở TPHCM đã ngoài vòng kiểm soát? Xung quanh vấn đề này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Long Phi, nguyên Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
* Phóng viên: Thưa ông, ông nghĩ sao khi mới có vài cơn mưa đầu mùa không lớn nhưng TPHCM đã ngập? Đặc biệt lại ngập ở những vị trí đất cao như quận Gò Vấp và ngập ngay ở những tuyến đường huyết mạch vừa được xây dựng xong như đường Võ Văn Kiệt và nhiều tuyến đường khác trong khu vực quận 6, quận 8… thuộc lưu vực các kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm vừa được nạo vét, lắp đặt lại hệ thống cống mới?
* Ông HỒ LONG PHI: Phải xem xét kỹ từng vị trí ngập cụ thể mới đánh giá chính xác được nguyên nhân gây ngập. Tuy nhiên, có thể nói khu vực quận Gò Vấp mặc dù nằm ở địa thế cao hơn so với địa thế chung của TPHCM nhưng đây lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa thuộc loại cao nhất thành phố, nhiều kênh, rạch, ao, đất nông nghiệp… đã bị san lấp để xây dựng, trong khi hệ thống cống thoát nước mới để thay thế nhiệm vụ tiêu thoát nước cho kênh, rạch cũng như cống kiểm soát triều… chưa được lắp đặt đầy đủ, nên có thể đây là nguyên nhân chính gây ngập tại khu vực này.
Khu vực thuộc lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm có thể bị ngập bởi các nguyên nhân sau: Thứ nhất, do mưa rơi đúng vào thời điểm triều cao nên các phay ngăn triều tự động đóng lại, “vô tình” chặn luôn cả đường thoát nước mưa. Thứ hai, có thể các hố ga thu nước bị rác đóng kín hoặc bị chính người dân bít lại lúc không có mưa nhằm ngăn mùi hôi từ cống thoát ra, nhưng khi trời mưa lại “quên” bỏ ra. Thời gian gần đây, tình trạng hố ga thu nước bị rác lấp đầy hoặc bị người dân bít lại diễn ra khá nhiều. Thứ ba, do hiện tượng lún mặt đất đang diễn ra nghiêm trọng ở một số khu vực của TPHCM cũng như nhiều nơi thuộc đồng bằng sông Cửu Long (như nhiều số liệu quan trắc đã được công bố). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra phức tạp mà TPHCM lại bị lún, nên việc bị ngập cũng là điều dễ hiểu.
* Nếu thực sự TPHCM đang bị lún, theo ông giải pháp chống ngập trong tình hình này là gì?
* Trong tình huống ấy hoặc là phải tiếp tục nâng cao độ nền hoặc phải xây dựng hệ thống cống ngăn triều từ xa để hạ thấp mực nước tại các cửa xả, thậm chí phải kết hợp với hệ thống trạm bơm quy mô lớn như trường hợp ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Tuy nhiên, giải pháp này rất tốn tiền cho việc xây dựng.
* Nhiều nhà khoa học đang đặt vấn đề điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững hơn nhằm chống ngập. Ông nghĩ sao về giải pháp này?
* Đó cũng là một trong những giải pháp căn cơ trong chống ngập. Điều chỉnh quy hoạch ở những khu vực công cộng, chưa đô thị hóa hoặc chưa triển khai thực hiện quy hoạch là điều nên làm ngay. Tuy nhiên, điều chỉnh hay thay đổi ở những khu vực đã đô thị hóa, người dân sinh sống ổn định và đông đúc sẽ rất khó thực hiện, thậm chí có thể nói là không khả thi. Do vậy, để giảm nhẹ thiệt hại do ngập nước cho cư dân, các giải pháp phụ trợ mềm dẻo và phi tập trung là rất cần thiết.
Cần phải thấy rằng chống ngập không phải là mục đích tối hậu và duy nhất mà chỉ là một trong những biện pháp để giảm nhẹ thiệt hại do ngập. Nguyên tắc chung của việc kiểm soát thiệt hại do ngập được chia ra thành 3 nhóm chính: (1) hạn chế phát triển dân cư trên các vùng đất có nguy cơ, (2) ngăn chặn hoặc giảm tần suất ngập và (3) hạ thấp mức độ thiệt hại tại chỗ nếu xảy ra ngập. Hiện tại chúng ta chỉ mới tập trung đầu tư cho hợp phần thứ hai mà hầu như bỏ quên các hợp phần còn lại. Chiến lược này vô hình trung đã tập trung toàn bộ trách nhiệm và vốn đầu tư cho các đơn vị “chống ngập” mà quên đi sự đồng bộ của một chiến lược kiểm soát ngập tổng thể.
Điều này dẫn đến các bất cập và mâu thuẫn khiến cho gánh nặng chống ngập càng nặng thêm. Một mặt chúng ta tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho công trình chống ngập, mặt khác trách nhiệm xã hội và sự tham gia của cộng đồng cũng như các ban ngành khác, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị, hầu như bị bỏ qua, thậm chí đôi khi còn làm ngược lại.
Cần phải thấy rằng ngoài các giải pháp tập trung xây dựng các công trình chống ngập, TPHCM nên triển khai thêm nhiều giải pháp mềm (nhóm giải pháp số 1) và phi tập trung (nhóm giải pháp số 3). Nếu như chống ngập (nhóm số 2) thuần túy là công việc của các kỹ sư thì kiểm soát ngập (cả 3 nhóm) lại là trách nhiệm của toàn xã hội và cả bộ máy chính quyền. Nhiều hộ dân trong thời gian qua đã tự cải tạo nhà, hẻm trong khu vực của mình để chống ngập cục bộ, trong khi chờ đợi hệ thống thoát nước tập trung đi vào hoạt động. Muốn làm được việc này, ngoài vận động, Nhà nước phải hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân chủ động chống ngập. Kinh phí chống ngập nên được chia làm hai phần, một phần dành cho các chương trình chống ngập của thành phố, phần nữa để hỗ trợ người dân trong việc thích nghi và giảm nhẹ thương tổn do ngập.
* Như vậy có thể nói các chương trình chống ngập mà TPHCM triển khai trong thời gian qua chưa hiệu quả?
* Nói như vậy bi quan quá! Các chương trình chống ngập của TPHCM đều đã và đang phát huy hiệu quả. Chỉ có vấn đề, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với số lượng những cơn mưa lớn ngày càng nhiều, thì tần suất bị ngập của những khu vực đã được chống ngập tăng lên. Những năm trước, khi tính toán xây dựng cống thoát nước, các nhà thiết kế căn cứ vào số liệu mưa của những năm trước đó. Bây giờ, các cơn mưa lớn ngày càng nhiều, mực nước trên sông ngày một cao, cống không tiêu thoát nước kịp, nên số lần bị ngập của các điểm đó cũng tăng lên so với thiết kế. Đó là chưa kể các yếu tố khác như lún, rác thải và các sai sót khó tránh khỏi trong thi công. Dù vậy, có thể nói chắc chắn hai điều là tình hình đang và sẽ tiếp tục tốt dần lên; tuy nhiên, sẽ không bao giờ hết ngập hoàn toàn theo nghĩa tuyệt đối.
* Vậy là TPHCM sẽ phải “sống chung” với ngập?
* Trong tình hình thời tiết liên tục diễn biến cực đoan như hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu, không phải chỉ có TPHCM mà nhiều thành phố khác trên thế giới cũng phải chấp nhận “sống chung” với ngập. “Sống chung” không nhất thiết có nghĩa là chịu đựng mà là thích nghi sao cho thiệt hại và thương tổn thấp nhất. Đặc biệt, phải thay đổi quan điểm chống ngập, thay vì dồn hết kinh phí cho các chương trình chống ngập lớn của thành phố thì nên dành một phần hỗ trợ các ban ngành khác, doanh nghiệp và người dân nhằm tăng cường tính chủ động thích nghi để giảm thiệt hại do ngập gây ra. Nên nhớ năng lực của công trình chống ngập là hữu hạn và có xu hướng giảm dần trong tương lai. Không nên để chính quyền, các cơ quan chống ngập và phần còn lại là cộng đồng xã hội, người dân – đứng về hai phía khác nhau trong công tác kiểm soát ngập lụt. Khi có sự góp sức của cả cộng đồng, sẽ có vô số sáng kiến và giải pháp được thực hiện để giảm nhẹ gánh nặng cho công tác chống ngập.
Ba mức độ kiểm soát ngập cần phải được quan tâm đầy đủ là: Hạn chế ngập nặng trên diện rộng và thường xuyên (chúng ta đang làm tốt điều này), thích nghi với ngập nhẹ và cục bộ (vẫn sẽ tiếp tục xảy ra) và chuẩn bị sẵn sàng cho các biến cố thời tiết cực đoan (hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào).
* Cảm ơn ông
Về giải pháp, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập nước TP cho rằng, từ khâu quy hoạch đến thực hiện các công trình hạ tầng giao thông phải được triển khai thật đồng bộ. Muốn vậy, thành phố phải bố trí nguồn vốn cho cả công trình nâng đường lẫn nâng hẻm chứ không thể làm kiểu “da beo” như lâu nay. Để giải quyết tình trạng ngập cần phải tăng cường nạo vét, thông thoáng dòng chảy và đặt các trạm bơm di động.
Quốc Hùng |