ThienNhien.Net – Trong lịch sử đã có trường hợp sử dụng việc tác động vào thời tiết nhằm cản trở các hoạt động quân sự của đối phương.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Khí tượng thủy văn, chiều 10/6, liên quan quy định tác động vào thời tiết, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, trên thế giới hiện nay, các nước tiên tiến thường sử dụng công nghệ tác động vào thời tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông hoặc phục vụ các hoạt động xã hội có quy mô lớn.
Trong lịch sử cũng đã có trường hợp sử dụng việc tác động vào thời tiết nhằm cản trở các hoạt động quân sự của đối phương (còn được gọi là “Chiến tranh khí tượng”).
Do vậy việc luật hóa các quy định về tác động vào thời tiết cũng sẽ là cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động, hành vi can thiệp, tác động vào thời tiết do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.
Để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia trong quá trình tác động vào thời tiết, dự thảo Luật đưa ra quy định “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan giám sát cơ quan, tổ chức thực hiện tác động vào thời tiết”.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật nhất trí quy định nguyên tắc: Tác động vào thời tiết không được làm cản trở hoặc gây tác động có hại đối với hoạt động kinh tế – xã hội của khu vực chịu ảnh hưởng từ tác động.
Về việc xem xét lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tác động vào thời tiết, Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng quy định này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính rất phức tạp (phương pháp xin ý kiến, tổng hợp ý kiến, thông báo kết quả xin ý kiến…).
Mặt khác, tùy loại hình tác động vào thời tiết, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có thể sẽ không khả thi. Ví dụ như tác động nhằm mục đích phá sương mù bảo đảm giao thông trên biển hoặc khu vực sân bay; tác động nhằm mục đích phá hoặc giảm cường độ mưa đá… đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian rất ngắn.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật xin phép sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm tính khả thi khi bổ sung quy định này”, ông Phan Xuân Dũng cho biết.