Có cán bộ liên quan đến phá rừng

ThienNhien.Net – Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, việc ngăn chặn, xử lý của các đơn vị chủ rừng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa hiệu quả khiến rừng liên tục bị xâm hại. Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông lại cho rằng, không thể xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vì có “quân ta” tham gia.11062015_canbolienquandenpharung

Rừng mất ở nhiều nơi

Theo ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song đang là những “điểm nóng” về tình trạng người dân chặt phá rừng, đốt rừng lấy đất sản xuất.

Tại huyện Đắk Song, hiện đoạn dọc tuyến QL 14C từ xã Thuận Hạnh đến huyện Tuy Đức, khu vực giáp ranh Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (thuộc xã Nâm N’jang), khu vực xã Nam Bình, Đắk Hòa, Nâm N’jang và thị trấn Đức An có đến hàng chục điểm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nghiêm trọng. Riêng tại lâm phần của Công TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân), từ năm 1993 – 2014, đã có hơn 3.500ha rừng tự nhiên bị tàn phá, hơn 4.500ha đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm, xâm canh, làm nhà, trồng hoa màu…

11062015_canbolienquandenpharung2

Còn tại huyện Tuy Đức, riêng xã Quảng Trực đã có 9 điểm phá rừng gần QL 14C. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy, từ năm 2012 – 2014, xã này có 30 điểm rừng tự nhiên bị phá. Tình trạng phá rừng vẫn đang tiếp tục diễn ra và tất cả các điểm rừng bị phá đều thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Thế nhưng, theo báo cáo cáo của công ty, trong 3 năm (2011 – 2013), trên địa bàn chỉ xảy ra 27 vụ chặt phá rừng trái phép với tổng diện tích hơn 34ha và diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh chưa giải tỏa được là 515ha(?).

Theo ông Nguyễn Đức Luyện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm 2013 và 2014, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện việc ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép và trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá. Nhưng các đơn vị chủ dừng và các cơ quan chức năng đã thực hiện không nghiêm túc các văn bản chỉ đạo này khiến cho việc phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra.

11062015_canbolienquandenpharung3

Còn theo số liệu báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ năm 2005 đến hết Quý 1/2015, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Đắk Nông đã giảm từ 360.000ha xuống gần 220.000ha. Hiện độ che phủ rừng tại tỉnh chỉ còn 38,7%, giảm gần 20% so với 10 năm trước (56,8% vào năm 2005). Chất lượng rừng ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung cũng bị suy thoái nghiêm trọng, rừng trữ lượng lớn hiện chỉ còn tập trung ở các khu rừng đặc dụng.

11062015_canbolienquandenpharung4

Có sự tiếp tay?

Theo phản ánh của một số hộ dân ở xã Nâm N’jang và thị trấn Đức An (huyện Đắk Song), tình trạng hợp thức hóa đất rừng do lấn chiếm vẫn diễn ra tại địa phương, đất do phá rừng vẫn được chính quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn theo một số hộ dân ở xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), việc mua bán đất lâm nghiệp ở địa phương diễn ra rất phổ biến và dễ dàng. Nghiêm trọng hơn, ở đây còn xuất hiện tình trạng bán rừng tự nhiên và những người mua sẵn sàng thuê người vào phá rừng, phát, đốt, dọn thực bì rừng với giá từ 7 – 15 triệu đồng/1ha.

11062015_canbolienquandenpharung5

Ngoài ra, một số hộ dân xã Thuận Hạnh, Nâm N’jang (huyện Đắk Song) và một số xã thuộc huyện Tuy Đức cũng cho biết, một số cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân còn cấu kết thuê người dân phá rừng để lấy đất với giá 5 – 10 triệu đồng/1ha. Một số diện tích đang có rừng thuộc quản lý của các đơn vị đã bị nhiều đối tượng chia nhau và sang nhượng trái phép với giá từ 50 – 100 triệu đồng/1ha (những diện tích đã trồng cây công nghiệp dài ngày có giá từ 250 – 300 triệu đồng/1ha).

11062015_canbolienquandenpharung6

Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm trong quản lý của các công ty lâm nghiệp, sự “tiếp tay” của một số cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị quản lý rừng chính là nguyên nhân dẫn đến việc rừng bị tàn phá, lấn chiếm đất kéo dài. Điều này cũng giải thích được nguyên nhân tại sao nhiều vụ phá rừng diễn ra “sát nách” chốt chặn của các đơn vị chủ rừng, các cơ quan chức năng nhưng “chẳng ai biết”?

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020” được tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, ông Nguyễn Đức Luyện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã thẳng thắn bày tỏ: “Báo cáo của tỉnh có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng nhưng tôi nghĩ nguyên nhân đầu tiên chính là có liên quan đến cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, thậm chí có chỉ đạo “bật đèn xanh” phá rừng sau đó mua lại. Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, thậm chí giao cho Công an tỉnh vào cuộc cũng không thể làm đến cùng vì có “quân ta” trong đó”.

Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (đứng) cho biết việc mất rừng có liên quan đến cán bộ. (Ảnh: Lê Phước)
Ông Nguyễn Đức Luyện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (đứng) cho biết việc mất rừng có liên quan đến cán bộ (Ảnh: Lê Phước)

Ông Nguyễn Đức Luyện cũng thừa nhận, cả doanh nghiệp và người dân đua nhau chặt phá, lấn chiếm và xâm canh rừng, làm cho cuộc chiến giữ rừng càng thêm phần nóng bỏng, cam go. Do mất tài nguyên rừng trên diện rộng, Đắk Nông đang phải trả giá khi đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước và sa mạc hóa. Kéo theo đó, một số tỉnh lân cận ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng đang từng ngày bị đe dọa bởi những biến đổi khí hậu từ việc để mất rừng.