ThienNhien.Net – Chiều 9/6, Quốc hội (QH) thảo luận Luật Giám sát của QH và HĐND, chính thức thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Trong số 20 ý kiến phát biểu trong phiên thảo luận, đa số tán thành với sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, pháp điển hóa và khắc phục những hạn chế hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước.Đồng thời, bổ sung các quy định để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát phù hợp với nguyên tắc “phân công và kiểm soát quyền lực”, cũng như các quy định có liên quan của Hiến pháp về quyền giám sát của QH, HĐND.
Các ý kiến trên hội trường tập trung vào những quy định còn các ý kiến khác nhau.
Cụ thể, về giám sát đối với văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, đa số nghiêng về quan điểm cần quy định riêng trình tự, thủ tục riêng theo hướng: Đối với văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, QH xem xét theo đề nghị của Ủy ban thường vụ QH và Chủ tịch nước.
Đối với văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của QH, QH xem xét theo đề nghị, kiến nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của QH và đại biểu QH.
Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, diễn đàn QH vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến khác nhau. Một bên đề nghị quy định rõ người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời trực tiếp các câu hỏi tại phiên họp chất vấn của Quốc hội hoặc tại phiên họp UBTVQH, kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND; việc trả lời chất vấn bằng văn bản chỉ thực hiện đối với chất vấn cần được xác minh theo quyết định của chủ tọa phiên họp.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định UBTVQH, Thường trực HĐND lựa chọn danh sách trả lời chất vấn trên cơ sở số lượng chất vấn.
Tương tự, về giám sát chuyên đề, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng QH quyết định việc thành lập đoàn giám sát để tiến hành giám sát chuyên đề. Đoàn giám sát ban hành kế hoạch, đề cương giám sát, thực hiện hoạt động giám sát và báo cáo trực tiếp với QH.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng giao UBTVQH thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của QH.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại và kiến nghị bổ sung nguyên tắc: “Không chồng chéo với các hoạt động, nội dung giám sát khác”, “có sự phối hợp chặt chẽ với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội”, “chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cử tri về báo cáo, quyết định, yêu cầu, kết luận, kiến nghị giám sát của mình”.
* Cũng trong buổi chiều, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Với 8 Chương, 41 Điều, đạo luật mới xây dựng thiết chế cho MTTQ Việt Nam với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các sửa đổi, bổ sung mới tập trung vào một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cũng như tổ chức của Mặt trận, mối quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp với tổ chức tiếp xúc cử tri của các cơ quan quyền lực.
Hai vấn đề quan trọng là tiếp dân và hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng được đạo luật đưa vào nhiều chế định mới và quy định cụ thể.
Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.