ThienNhien.Net – Quy hoạch chung xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được tiến hành trên diện tích khoảng 40.860ha, thuộc địa bàn các xã Phúc Trạch, Hưng Trạch, Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) – khu vực tập trung các hoạt động du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch…
Quy hoạch chung theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 8/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức công bố ngày 10/6 tại Quảng Bình, có mục tiêu chính là hướng đến bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bao gồm các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa, lịch sử; gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương.
Quy hoạch cũng nhằm phát huy giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, đưa di sản này trở thành một trong những vùng sinh thái hấp dẫn bậc nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là động lực quan trọng phát triển hinh tế, xã hội tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ; tạo lập cộng đồng dân cư nhân văn và bền vững nhằm giữ gìn và làm phong phú thêm giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.
Thông qua dự báo quy mô phát triển dân số, khách du lịch, quy mô đất xây dựng, quy hoạch chung đã xác lập cụ thể định hướng phát triển không gian, định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược cũng như các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư cho vùng quy hoạch Phong Nha-Kẻ Bàng đến năm 2030.
Cụ thể, về đất xây dựng gồm đất xây dựng các điểm du lịch sinh thái, đất xây dựng đô thị…, trong đó, đất xây dựng khu dân cư nông thôn dự báo đến năm 2020, trong vùng quy hoạch chiếm khoảng 1.750-1.830ha, bằng khoảng 4,5% đất tự nhiên; đến năm 2030, diện tích đất xây dựng chiếm khoảng 2.150-2.200 ha, bằng khoảng 5,3% đất tự nhiên.
Về định hướng phát triển không gian, quy hoạch chung xây dựng hướng đến nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trên tinh thần mang tính toàn vẹn của di sản trong mối liên kết bảo tồn vùng sinh thái Hin Namno (Lào) và quần thể sinh thái dãy Trường Sơn.
Bên cạnh đó, quy hoạch chung thiết lập và kiểm soát các hành lang đa dạng sinh học dọc lưu vực sông Son, sông Gianh, sông Nhật Lệ nối với Vườn Quốc gia với các vùng tự nhiên khác trong vùng miền Trung.
Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chung đã chỉ rõ định hướng về xây dựng hệ thống giao thông trong mối kết nối Vườn Quốc gia với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu mối của tỉnh Quảng Bình như cảng biển Hòn La, cảng sông Gianh, các cảng du lịch trên sông Son, sân bay Đồng Hới, ga đường sắt Đồng Hới, các tuyến đường bộ Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, cửa khẩu Cà Roòng để đón khách quốc tế và trong nước…
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là quà tặng vô giá không chỉ cho tỉnh Quảng Bình, nước Việt Nam mà còn cho cả thế giới. Vì vậy, việc phê duyệt, ban hành quy hoạch chung xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là vô cùng cần thiết.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện nghiêm túc quy hoạch để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo tồn và phát huy giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.