ThienNhien.Net – Các huyện ngoại thành TP.HCM như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… đang hướng đến mục tiêu “mỗi hộ chăn nuôi một hầm biogas” (túi sinh học) để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn và đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, việc sử dụng khí biogas đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp khoảng 14 lần so với sử dụng chất đốt bình thường (trấu, củi…) và gấp 27 lần so với sử dụng gas công nghiệp.
Lợi cả đôi đường
Xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi) – một xã có đến gần 20.000 con bò sữa, trước đây là “điểm đen” ô nhiễm môi trường do chất thải của bò xả tràn ra đồng ruộng, thì nay đã có khoảng 60% hộ nuôi bò đầu tư xây dựng hầm biogas để giảm thiểu môi trường. Anh Trần Văn Cường (ấp 6, xã Tân Thạnh Đông) – một hộ chăn nuôi 40 con bò sữa cho biết, mỗi ngày đàn bò thải ra hàng tấn phân. Nếu như trước đây phân được đem bán đổ bán tháo hoặc đổ ra đồng thì giờ dùng để làm khí gas. “Nhiều hộ nuôi bò sữa ở đây đã xây dựng hầm biogas nên mức độ ô nhiễm môi trường giảm đi nhiều. Việc sử dụng khí gas từ hầm biogas đã giúp gia đình tôi mỗi tháng tiết kiệm được 3 – 4 triệu đồng” – anh Cường nói.
Cũng với mục đích cải thiện kinh tế, bảo vệ môi trường, gia đình ông Tô Phụng Tiên – một hộ chăn nuôi heo lâu năm ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) đã cho lắp đặt hầm biogas được hơn 10 năm. Theo ông Tiên, nhà có cơ sở làm cơm cháy và nấu rượu nên nhu cầu sử dụng gas rất lớn. Từ ngày có nguồn gas từ phân chuồng, thay vì mỗi tháng dùng hết 3 bình gas như trước thì nay chỉ còn 1 bình. “Phân chuồng không phải thải ra con rạch nhỏ quanh nhà nữa nên cũng không còn mùi hôi thối, môi trường sống sạch hơn chứ không như trước” – ông Tiên cho biết.
Chia sẻ về vấn đề nông dân sử dụng mô hình biogas, ông Huỳnh Công Chức – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết, hiện nay nông dân chăn nuôi tập trung ở 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và xã Bình Chánh. Các hộ dân hầu như thực hiện đúng yêu cầu chăn nuôi sạch là sử dụng hầm biogas, ngoại trừ một số hộ đến từ nơi khác đến thuê mướn đất để chăn nuôi, do không cố định nên không xây lắp hầm biogas.
Chăn nuôi phải có hầm biogas
Trên địa bàn thành phố hiện đang áp dụng 3 mô hình biogas: Túi biogas, hầm biogas nắp bằng và hầm biogas hình cầu kiểu Thái Lan – Đức. Trong đó, hầm biogas kiểu Thái Lan – Đức được các hộ chăn nuôi (heo, bò) và làng nghề bánh tráng sử dụng nhiều, nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu ô nhiễm do chất thải của động vật và tăng bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Lê Đình Đức – Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ chăn nuôi bò sữa phải có một hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết, giai đoạn 2008 – 2014, thành phố đã hỗ trợ xây dựng 1.803 hầm biogas trên địa bàn 5 huyện ngoại thành. Đầu năm 2015, nhằm thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn thành phố phát triển đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy hoàn thành chương trình nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố đã tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ các hộ dân và cơ sở chăn nuôi tại khu vực ngoại thành vay vốn xây mới 1.042 hầm và sửa chữa, cải tạo 97 hầm biogas.
Ông Phạm Tấn Quốc – Phó phòng Kinh tế (Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết, từ năm 2014, trên địa bàn thành phố các hộ chăn nuôi hợp vệ sinh đồng nghĩa phải có hầm biogas. Chi cục đang thúc đẩy để toàn bộ các hộ chăn nuôi trên 5 huyện ngoại thành thực hiện theo hướng này.
Năm 2014, thành phố có 20.757 hộ chăn nuôi có hầm biogas (chiếm 94,85% tổng số hộ chăn nuôi gia súc). Việc triển khai mô hình chăn nuôi “sạch” đã được “phủ sóng” gần như toàn bộ nông dân chăn nuôi, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường sống cũng như xây dựng nông thôn mới của thành phố.