ThienNhien.Net – Tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua đề án quy hoạch kinh tế-xã hội đảo Lý Sơn, trong đó đặt trọng tâm phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu quy hoạch không phù hợp, không cẩn trọng dễ đưa Lý Sơn đến nguy cơ “vỡ” đảo.
Dân lo lắng
Đảo Lý Sơn đang ngày nhỏ lại do nước biển dâng và hiện tượng khai thác cát gần bờ, cũng như thiên tai gây sạt lở. Từ diện trên 11km2, nay Lý Sơn chỉ còn gần 9km². Đất không “nở” ra, dân số lại liên tục tăng, nên vấn đề mưu sinh đang là nỗi lo của hơn 2 vạn cư dân trên đảo. Vậy nên, khi tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu quy hoạch Lý Sơn thành khu du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế thì người dân nơi đây đang lo bị mất đất nông nghiệp (chủ yếu trồng hành, tỏi) để nhường cho dịch vụ du lịch.
Anh Võ Hoàng (39 tuổi), ở xã An có 3 sào đất, mỗi năm anh thu hoạch được hơn 1 tấn tỏi khô và 9 tấn hành. Bình quân hàng năm, từ hai loại cây chủ lực này anh thu về 50-60 triệu đồng. Anh Hoàng cho biết, đang rất lo lắng việc quy hoạch du lịch sẽ lấy đất, ảnh hưởng đến kinh tế, vì ngoài trồng hành, tỏi anh không biết làm nghề gì. Anh Hoàng kiến nghị: “Nếu có quy hoạch chỉ nên chọn một vùng thôi, chứ lấy đất tràn lan sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Còn cho rằng áp dụng công nghệ cao để giữ nguyên sản lượng và chất lượng trồng hành, tỏi khi diện tích bị thu hẹp thì khó lắm, dân chưa hiểu và chưa tiếp cận được đâu”…
Phương án “tự tạo đất”
“Việc kéo điện quốc gia ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là đòn bẩy để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho hòn đảo tiền tiêu này. Song để Lý Sơn thỏa mãn vẫy vùng trong “chiếc áo” quá chật thì còn nhiều điều phải nâng lên, đặt xuống và nếu không có hướng đi thích hợp thì đảo Lý Sơn chắc chắn sẽ bị “vỡ” trong tương lai không xa” – ông Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung góp ý rồi hiến kế: “Nếu ngủ thì ra đảo Lớn, còn thức và chơi thì qua đảo Bé” (đảo Lớn bao gồm xã An Hải và An Vĩnh, đảo bé là xã An Bình. Từ đảo Lớn qua đảo Bé cách nhau 6,5km, qua lại bằng ghe, đò). Không phải ngẫu nhiên ông Lịch nói thế, bởi hiện nay diện tích đảo Lý Sơn quá hẹp để có thể làm bất cứ vấn đề gì. Theo ông Trần Du Lịch, nên dành đất của đảo Bé xây khu nghỉ dưỡng, vui chơi… vì dân số trên đảo Bé ít (khoảng 112 hộ dân) và có thể di dời qua đảo Lớn. Đảo Bé có tài nguyên phong phú, hoang sơ, phù hợp để phát triển du lịch, thậm chí có thể “biến” nơi đây thành “viên ngọc sáng giữa biển Đông” hút khách du lịch tàu biển quốc tế và khách du lịch nội địa… Về quy hoạch Lý Sơn, ông Lịch cho rằng như hiện nay chưa ổn, quy hoạch đã rơi vào lầm lỡ. “Phải thống nhất các phương án quy hoạch, tránh tình trạng trung ương cứ đưa tiền – làm lỡ – sửa chữa. Phải quy hoạch bài bản để Lý Sơn xứng tầm của nó chứ không thể làm chắp vá được. Lý Sơn phải là đảo tiền tiêu phát triển kinh tế gắn với quốc phòng” – ông Lịch nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Lý Sơn không những có giá trị và vị thế địa – chiến lược mà còn có một sứ mệnh to lớn trong sự ổn định của một vùng biển, của tuyến hàng hải quan trọng. Tuy nhiên, Lý Sơn vẫn rất nghèo và khó. Tuy đảo có không gian rất lớn nhưng diện tích để phát triển lại rất nhỏ. Ông Thiên cho rằng: Hiện phần đất dành cho người chết (nghĩa trang) đang tranh chấp quyết liệt với đất dành cho người sống và có vẻ người chết đang “thắng” thế. Vậy lấy đất đâu xây khách sạn khi Lý Sơn đang đối diện với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng nên khả năng mất đất càng cao? “Nếu muốn giữ đất trồng hành, trồng tỏi của bà con nhưng vẫn muốn nhà đầu tư vào xây khách sạn, làm dịch vụ du lịch thì chỉ có phương án “đất tự tạo””, ông Thiên gợi ý.
Là Trưởng ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn, ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhìn nhận: Việc chọn lựa nhà đầu tư đến với Lý Sơn đang là vấn đề nan giải, phải tính đến chuyện họ đầu tư như thế nào, chứ không thể ai vào cũng… hấp dẫn. Bên cạnh đó, đề án gần 3.000 tỷ đồng tỉnh Quảng Ngãi dành cho Lý Sơn là để quy hoạch huyện đảo thành khu đô thị văn minh gắn kết hài hòa với môi trường sinh thái biển, kèm theo đó yêu cầu rất khắt khe như công trình, nhà ở của người dân nơi đây phải đảm bảo vừa chống chịu được thời tiết gió bão, vừa mang nét đặc trưng biển đảo của Lý Sơn.