ThienNhien.Net – Những năm gần đây, An Giang đã có những biểu hiện rõ rệt do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Đất đai bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh, diện tích đất bị khô hạn, nhiễm phèn và xâm nhập mặn gia tăng, nhiệt độ cao, hạn hán bất thường, lũ lụt không theo quy luật… Những yếu tố này tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, de dọa đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
An Phú là huyện đầu nguồn ở An Giang và nằm trong hệ thống sông ngòi của vùng ĐBSCL. Trước ảnh hưởng do BĐKH đã tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Do nằm vị trí đầu nguồn nên mỗi năm cứ vào mùa lũ, An Phú phải gồng mình hứng chịu tác động lưu lượng nước từ thượng nguồn sông MêKông đổ về. Tình trạng ngập úng sẽ nguy hiểm hơn khi mực nước biển dâng cộng thêm lũ từ thượng nguồn (theo kịch bản BĐKH). Lúc này, vùng cù lao gồm 4 xã nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu của huyện An Phú (Phú Hội, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu) có tổng diện tích 11.253,9 héc-ta, chiếm hơn 59% diện tích tự nhiên của huyện) sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng do định vị trên vùng sụt hạ địa chất. Đơn cử năm 2011, do ảnh hưởng bão lũ gây mưa lớn liên tục kết hợp triều cường làm thiệt hại hoàn toàn 1.785 héc-ta lúa và hoa màu (khoảng 4,7 tỷ đồng, chưa tính chi phí bơm chống úng và chi phí gieo sạ lại).
Về ảnh hưởng sạt lở, cũng do kết hợp bão lũ năm 2011, nhiều tuyến đường giao thông ở khu vực gần sông thuộc xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Trường, Phú Hội, Phú Hữu… bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài trên 1.500m, gây sụt lún các mố cầu… với tổng thiệt hại 2,4 tỷ đồng. Gần nhất vào cuối năm 2014 tại xã Vĩnh Lộc, lũ thượng nguồn đã gây sạt lở mạnh đường bờ dài 800m, xâm thực từ 3- 5m khiến nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Trước tác động của BĐKH, hiện một số nơi ở xã Khánh An, Khánh Bình, Quốc Thái, Phước Hưng, thị trấn An Phú… môi trường đất có nguy cơ thoái hóa, một phần do luân canh tăng vụ. Bên cạnh, lượng phù sa ngày càng giảm do các đập ngăn nước làm công trình thủy điện ở thượng nguồn sông MêKông. Nguồn nước ngày càng ô nhiễm do quá trình xả thải từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các cụm tuyến dân cư… chưa được xử lý tốt.
Ông Đinh Quang Trí, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Phú cho biết: Trước thực trạng trên, UBND huyện An Phú chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây dựng kế hoạch hành động chi tiết các ngành, lĩnh vực ứng phó BĐKH giai đoạn 2015-2020 theo chương trình mục tiêu quốc gia. Về giải pháp công trình, huyện An Phú tiến hành xây dựng một số công trình: Hệ thống giao thông kết hợp đê bao khép kín Tỉnh lộ 957, lập dự án xây dựng hệ thống đê bao chống lũ 3 xã bờ đông sông Hậu (Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu), kè chống sạt lở đoạn sông có cột mốc quốc gia ở thị trấn Long Bình, sửa chữa hệ thống thủy lợi và hệ thống giao thông, xây dựng nhà máy xử lý rác ở xã Vĩnh Lộc và bãi chôn lấp rác ở xã Phú Hữu, xây lò đốt rác tại xã Phước Hưng.
Ngoài ra, 3 xã của huyện (gồm Khánh Bình, Đa Phước, Vĩnh Trường) còn tham gia các dự án do các tổ chức nước ngoài tài trợ nhằm hỗ trợ người nghèo các kỹ năng thích ứng BĐKH; cải thiện nước sạch và hạ tầng cộng đồng sau lũ tại 2 xã Vĩnh Hậu, Phú Hữu. Đồng thời, UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão nhằm tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường an toàn, xây dựng các điểm giữ trẻ, tập bơi cho trẻ ở các vùng lũ… nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng do BĐKH gây ra.