ThienNhien.Net – Những ngày qua Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nuôi cá lồng bè tự phát trên dòng sông Tam Kỳ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nguy cơ biến con sông này trở thành con sông chết.
Lòng heo, bò lềnh bềnh trên sông
Nhiều người dân sinh sống trong khu vực cho rằng, hiện tượng nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Tam Kỳ đã diễn ra mấy năm nay. Nhưng điều đáng nói, có những hộ nuôi dùng cả lòng, phân heo, bò cho cá ăn gây hôi thối, ô nhiễm dòng sông. Thế nhưng các ngành chức năng TP Tam Kỳ lại khẳng định rằng, chưa thấy tình trạng ô nhiễm!?
Để tìm hiểu tình hình, những ngày qua chúng tôi đã có mặt tại các khu vực nuôi cá trên dòng sông Tam Kỳ thuộc Khối phố 7, phường An Sơn, TP Tam Kỳ. Theo quan sát của phóng viên, tại đây có đến hàng chục lồng bè kiên cố nằm san sát nhau, đa số là nuôi cá diêu hồng, rô phi và cá trê lai… Thường thì cá diêu hồng và rô phi, các chủ lồng cho ăn bằng thức ăn bột công nghiệp, còn cá trê lai được một số chủ lồng mua nội tạng của bò, heo về cho ăn. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và ghi hình được cảnh một chủ lồng, đang thả lòng heo, bò ra nổi lền bềnh trên mặt nước cho cá ăn. Cá thi nhau đớp lòng, còn phân trong lòng heo, bò nổi lềnh bềnh trên mặt nước gây mùi hôi thối bay cả khu vực. Một chủ lồng khi được hỏi thì vô tư: “Cá trê ăn tạp các loại lòng heo, lòng bò, mà loại này thì rẻ tiền tiền nên chúng tôi tận dụng mua về cho cá trê lai nó ăn”.
Chỉ tay về lồng cá trước nhà, anh Châu Văn T. (34 tuổi), ở khối phố 7, phường An Sơn cho biết: “Các lòng cá này đều của người các nơi khác đến nuôi, người dân địa phương chúng tôi không tham gia. Ngày trước sông này sạch sẽ, nguồn nước trong xanh, tắm mát lắm, còn bây giờ không ai dám tắm vì lỡ lội xuống nước là ngứa khắp người. Mỗi khi trời trở gió, mùi thối của phân bò, heo bay thẳng vào nhà, chỉ còn biết đóng kín cửa mà thôi”.
Biết trái phép vẫn cho nuôi!?
Nuôi cá trái phép, dòng sông và con người đang kêu cứu. Thế nhưng chính quyền lại cho rằng ô nhiễm không đáng kể. Ông Đoàn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cho rằng, khu vực nuôi cá tại địa phương có 5 hộ, mỗi hộ khoảng 20 lồng. Đa số là người dân nuôi tự phát chứ phường không cấp phép, còn tình trạng ô nhiễm, phường đã tổ chức kiểm tra, nói chung có ô nhiễm bởi thức ăn và chất thải của cá, nhưng ở mức độ cho phép!?
Còn theo ông Phạm Cưu, Trưởng phòng Kinh tế TP Tam Kỳ, trên dòng sông Tam Kỳ có khoảng 165 lồng của 16 hộ, đa số là nuôi cá diêu hồng, cá trê lai, nhiều nhất thuộc khu vực phường An Sơn, còn đoạn ở xã Tam Phú có khoảng vài chục lồng nuôi cá Chẽm. Phòng TN-MT đã tổ chức kiểm tra, nhưng chưa thấy ô nhiễm. “Dân chúng nói như vậy, nhưng ở đây không nghe phản ánh gì. Nếu có sẽ đi kiểm tra ngay. Chủ trương của UBND TP Tam Kỳ cho các chủ lồng này nuôi đến hết năm 2015 sẽ dẹp” – ông Cưu nói.
Ông Cưu khẳng định: “Không có chuyện cho cá ăn bằng lòng, phân heo, bò. Họ chỉ cho ăn bằng thức ăn bột công nghiệp, mà bột công nghiệp làm chi có chất dơ nhớp, cá nó ăn hết”. Nhưng khi phóng viên cung cấp hình ảnh và video về chủ lồng dùng lòng heo, bò cho cá ăn, phân nổi lềnh bềnh rất hôi thối thì ông Cưu mới ngỡ ngàng và hứa sẽ cho kiểm tra ngay!?
Cả cán bộ phường và ông Phạm Cưu, Trưởng phòng Kinh tế đều thừa nhận, do các hộ nuôi cá thấy lợi nhuận nên ào ạt nuôi tự phát, chứ tất cả các lồng bè này TP Tam Kỳ không cấp phép cũng như không có quy hoạch vùng nuôi. Thế nhưng, việc nuôi trái phép này vẫn tồn tại hàng năm nay, càng đáng ngạc nhiên khi người dân kêu cứu và chính quyền không hề biết. Đề nghị UBND TP Tam Kỳ cần sớm vào cuộc xử lý, trả lại môi trường trong sạch cho dòng sông và cuộc sống an bình của người dân tại khu vực này.