Bài 1: Đầu mùa mưa đã lo… ngập
ThienNhien.Net – Gần 15 năm nay, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập. Từ chống ngập, xóa ngập cục bộ, đến thực hiện nạo vét, cải thiện môi trường cho các lưu vực kênh, rạch lớn. Trên địa bàn TPHCM hiện có 2 đồ án quy hoạch chống ngập: đồ án chống ngập do mưa và đồ án chống ngập do lũ và triều cường. Quyết liệt và bài bản như vậy song tình trạng ngập ở TPHCM dường như đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Hai năm trước, trong 58 điểm ngập ở khu vực trung tâm, các cơ quan chức năng của thành phố đã xóa được 47 điểm ngập. Tuy nhiên, mùa mưa năm 2014 vừa qua, 14 điểm được xóa ngập đã… tái ngập và còn phát sinh thêm 2 điểm ngập mới. Mùa mưa năm nay mới bắt đầu nhưng tình trạng tái ngập ở một số nơi cũng đang diễn ra. Nước ngập dường như cứ… luẩn quẩn trong thành phố bất chấp những nỗ lực ngăn chặn.
Theo không kịp… thời tiết
Ngay từ khi những thước cống thoát nước đầu tiên được lắp đặt vào hệ thống thoát nước của các lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé, nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên viên của các sở, ngành chức năng TPHCM đã phát hiện ra rằng, tiết diện thiết kế của cống đã không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Trong khi hầu hết các cống được thiết kế để tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình từ 75 – 92mm trong thời gian mưa 3 giờ, thì những cơn mưa có vũ lượng lớn hơn và thời gian mưa ngắn hơn, dồn dập hơn đã xuất hiện ngày càng nhiều ở thành phố.
Có đến 4 cơ quan tư vấn trong và ngoài nước cùng nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống thoát nước của 3 lưu vực nêu trên. Tư vấn quốc tế gồm PCI (Nhật), CDM (Mỹ), Black and Veatch (Bỉ). Tư vấn trong nước là Phân viện Nghiên cứu thủy văn phía Nam. Các cơ quan này đã dựa vào số liệu thống kê về các cơn mưa tại TPHCM trong thời gian 40 năm trước để đưa ra các đề xuất về tiêu chuẩn mưa thiết kế. Lúc ấy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chưa hiển hiện nhiều nên chưa được nghiên cứu. Những cơn mưa lớn cũng đã được lưu ý nhưng căn cứ vào các quy định về xây dựng của Bộ Xây dựng, chúng chỉ được tính với chu kỳ tràn cống 2 năm/lần đối với tuyến cống cấp 3; 3 năm/lần đối với tuyến cống cấp 2 và 5 năm/lần đối với tuyến cống cấp 1. Tuy nhiên, lúc ấy các dự án đang được triển khai và cũng có không ít ý kiến cho rằng, không nên quá lo lắng về những cơn mưa lớn, vì có thể đó chỉ là đột biến. Do vậy, TPHCM đã chưa xem xét đến việc điều chỉnh thiết kế cống thoát nước.
Hậu quả của việc công trình chống ngập không theo kịp những diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang diễn ra ngày một rõ nét, đó là tình trạng ngập ở TPHCM ngày càng nan giải, cứ mưa là ngập, rõ nét nhất là mùa mưa năm 2014. Nhiều khu vực trong lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vốn đã được xóa ngập từ nhiều năm trước do TP đã thực hiện xong dự án cải thiện môi trường, chống ngập cho toàn bộ lưu vực nhưng nay đã bắt đầu tái ngập. Lúc ấy, có nhiều cách lý giải về tình trạng ngập này, như: có thể do rác không được dọn sạch đã bít đường thoát nước của các tuyến cống vừa lắp đặt; hoặc mưa đúng vào thời điểm triều cường nên nước không thoát ra được… Thế nhưng, dù có nhìn nhận khác nhau nhưng nhiều chuyên gia cũng thống nhất, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là thiết kế của cống đã trở nên lạc hậu so với diễn biến thất thường của thời tiết. Mùa mưa năm nay mới bắt đầu bằng những cơn mưa chưa lớn, nhưng ở nhiều khu vực thuộc các lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm vừa được nạo vét và lắp đặt cống mới đã bị ngập. Thậm chí một phần đường Võ Văn Kiệt, đoạn gần quận 6, quận 8 vừa mới được xây dựng cách đây chưa lâu, lại nằm ngay các lưu vực vừa được cải tạo, cũng… ngập! Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã yêu cầu trung tâm chống ngập nghiên cứu, khơi thông dòng nước để xử lý tình trạng ngập ở đây. Tuy nhiên, những cơn mưa sau, tình trạng ngập ở đây có được cải thiện hay không là điều không ai dám chắc, vì thiết kế cống thoát nước quá tải trước nhu cầu thoát nước.
Cống mới lạc hậu, tất nhiên, cống cũ chẳng thể khá hơn. Hầu hết các tuyến cống cũ của TPHCM chỉ đáp ứng tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng 30 – 40mm, chưa kể còn bị lún, sụt, bồi lấp…
Bất cập cốt nền
Nhận xét về tình trạng ngập ở TPHCM, ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, người trực tiếp tham gia lập nhiều đồ án quy hoạch xây dựng TPHCM, khẳng định tuân thủ nghiêm cốt nền xây dựng, TPHCM đã không ngập trầm trọng như hiện nay. Cốt xây dựng được quy định trong Quyết định 24/QĐ-TTg/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025. Theo quy định này, TPHCM được chia thành 3 khu vực, tùy theo địa hình, sẽ có 3 mức cốt xây dựng khác nhau. Khu vực nội thành hiện hữu gồm 13 quận cũ sẽ có cao độ xây dựng khống chế ≥ 2m; khu nội thành phát triển gồm 6 quận mới có cao độ xây dựng khống chế từ 2 – 2,5m và lớn hơn; các huyện ngoại thành có cao độ xây dựng khống chế ≥ 2m. Dù có 3 mức nhưng cơ bản, cốt xây dựng ở TPHCM đều trên 2m so với mực nước biển. Trong khi đó, đỉnh triều cao nhất trong thời gian qua mới tới mức 1,7m.
Quy hoạch về cốt xây dựng nêu trên đã được xác lập ngay trong đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1993 và sau đó liên tục được khẳng định lại trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM được phê duyệt trong các năm 1998, 2010. Nếu nhà ở, đường giao thông và nhiều công trình kiến trúc khác tuân thủ nghiêm cốt xây dựng từ hơn 20 năm trước thì tình trạng ngập ở TPHCM đâu nặng nề như hiện nay và hiện tượng nhà thấp hơn đường (nhà hầm) cũng sẽ được hạn chế đến mức tối đa. “Tôi nói hạn chế vì sẽ có những công trình nhà ở được xây dựng trước năm 1993 – trước khi có các quy định về cốt nền” – ông Hoàng Minh Trí nói.
Tại sao cốt nền xây dựng không được tuân thủ? Câu trả lời thuộc về các cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng. Đối với người dân, hậu quả nhãn tiền của tình trạng này là “nhà, đường lổn nhổn, cao thấp khác nhau”. Nhiều đường mới được xây dựng, được nâng cấp thì nhà dân lập tức trở thành… “túi nước” vào mùa mưa và “nhà hầm” vào cả… hai mùa mưa, nắng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, sau khi hàng loạt tuyến đường như: Nguyễn Văn Luông, An Dương Vương, Hậu Giang (quận 6); Nguyễn Thị Nhỏ, Hòa Bình (quận 11); quốc lộ 13, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm quận Bình Thạnh… được nâng cao thì các khu vực xung quanh và nhất là các con hẻm gần đó ngập nặng hơn. Cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân vì thế bị đảo lộn.
Anh Trần Văn Quân ngụ ở đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) cho biết: “Sau khi nâng đường, mưa lớn, nước mưa dồn vào các con hẻm rồi tràn vào nhà. Tôi đã hai lần nâng nền nhà cao thêm 1,2m nhưng nước vẫn tràn vào. Cực chẳng đã, gia đình tôi phải xây bức tường chắn nước trước cửa nhà”. Theo thống kê của Công ty Thoát nước đô thị, toàn thành phố hiện có hơn 100 con hẻm thấp hơn mặt đường chính. Con số này đang tăng lên với sự xuất hiện của nhiều con đường mới được hình thành. Những “nhà hầm”, “túi nước” dọc đường Phạm Văn Đồng – một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố là minh chứng.