Tạo sinh kế cho người dân tại các khu rừng đặc dụng ở Bắc Cạn

ThienNhien.Net – Kiểm lâm tỉnh Bắc Cạn đang tích cực triển khai, hướng dẫn 83 thôn, bản ở vùng lõi, vùng đệm tại ba khu rừng đặc dụng trên địa bàn sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ (40 triệu đồng/thôn, bản/năm) để phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, từ đó giảm áp lực đối với rừng.

Tạo kế sinh nhai cho người dân ở các Khu bảo tồn chính là giảm áp lực đối với rừng. (Ảnh: Nhân Dân)
Tạo kế sinh nhai cho người dân ở các Khu bảo tồn chính là giảm áp lực đối với rừng. (Ảnh: Thế Bình)

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Hoàng Văn Hải cho biết: “Thực hiện Quyết định số 24 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 100 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đang tích cực triển khai hỗ trợ các thôn, bản trong vùng lõi, vùng đệm ba khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh là Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam Xuân Lạc và Vườn quốc gia Ba Bể, mỗi thôn, bản 40 triệu đồng/năm để tạo sinh kế lâu dài cho nhân dân. Ngược lại, nhân dân các thôn, bản có trách nhiệm phối hợp lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả”.

Áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn từ năm 2015, với số tiền được hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản mỗi năm, người dân sẽ dùng vào việc mua cây, con giống, phân bón, làm chuồng trại, nước sinh hoạt, sửa chữa đường, mua sắm trang, thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng… Hiện nay, kiểm lâm các khu rừng đặc dụng đang đến từng thôn, bản hướng dẫn nhân dân sử dụng số tiền này sao cho thật hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm không thất thoát; đồng thời ký cam kết với từng hộ dân không xâm hại rừng đặc dụng, cung cấp các nguồn tin có giá trị để kiểm lâm bảo vệ rừng.

Thôn Lủng Lỳ có 45 hộ đồng bào dân tộc Dao, chủ yếu là hộ nghèo, do thiếu vốn, không có đất sản xuất, sinh sống ngay tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Thời gian vừa qua một số người trong thôn vào rừng khai thác gỗ quý hiếm về làm nhà, cưa thớt bán. Khi được nhận 40 triệu đồng, bà con trong thôn định sử dụng số tiền này để đổ bê tông sân nhà họp thôn. Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Hoàng Văn Hải đến họp với nhân dân trong thôn, phân tích để bà con hiểu thực tế, nhà họp thôn mỗi tháng chỉ sử dụng một lần nên chưa cần thiết đổ bê tông, bà con nên dùng số tiền này để làm chuồng chăn nuôi lợn, mua giống lợn thì sẽ hiệu quả hơn.

Được ông Hải phân tích, bà con quyết định, năm nay có 20 hộ được hưởng chính sách, mỗi hộ được nhận hai triệu đồng để làm chuồng lợn, mua lợn giống về chăn nuôi để có thêm thu nhập. Năm sau sẽ luân phiên, có thêm 20 hộ được hưởng chính sách này, cũng làm chuồng trại chăn nuôi.

Ông Cà Tháo Thùng ở thôn Lùng Lỳ cho biết: Có chuồng, có lợn giống rồi, từ nay sẽ chăm chỉ chăn nuôi để lợn chóng lớn, không vào rừng khai thác lâm sản, đào vàng nữa, làm như thế vừa vất vả, lại phạm pháp.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Các thôn, bản trong vùng lõi, vùng đệm Khu bảo tồn đều là người dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên đời sống khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo. Cuộc sống của nhiều hộ dựa vào khai thác lâm sản, khai thác vàng. Khi mỗi thôn, bản được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm để làm chuồng trại, mua giống, vật tư sản xuất… thực chất là tạo sinh kế lâu dài cho các thôn, từ đó giảm áp lực đối với rừng đặc dụng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Cạn trực tiếp thực hiện chủ trương này nên đang chỉ đạo lực lượng bám sát các thôn, bản để hướng dẫn các hộ sử dụng kinh phí thật hiệu quả, đồng thời tuyên truyền để các hộ dân cam kết không xâm hại rừng, thường xuyên cung cấp tình hình, tin tức có giá trị về các hoạt động xâm hại rừng cho kiểm lâm.

Ông Hải chia sẻ: Đây là chính sách có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân, tai mắt nhân dân có ở khắp nơi, rừng có biến động gì là nhân dân biết và cung cấp cho kiểm lâm, kiểm lâm dù có đông đến đâu cũng không thể ngày đêm bám sát, bảo vệ được rừng hiệu quả bằng nhân dân. Do đó, chúng tôi sẽ cùng với chính quyền các xã để tạo dựng sinh kế bền vững cho nhân dân sinh sống tại vùng lõi, vùng đệm ở các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.