Xây dựng cơ chế tố tụng dân sự đặc biệt để giải quyết tranh chấp môi trường

ThienNhien.Net – Tranh chấp về môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp, tồn tại dưới nhiều hình thức, quy mô, cấp độ khác nhau, đòi hỏi những cơ chế pháp lý phù hợp để giải quyết có hiệu quả nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong bối cảnh Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đang được sửa đổi, bài viết này phân tích những bất cập của cơ chế tố tụng hiện hành trong việc giải quyết tranh chấp môi trường và đề xuất cơ chế tố tụng dân sự đặc biệt trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Bãi cây keo “phục hồi môi trường” sau khai thác titan do công ty Hiếu Giang trồng tại thôn An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị). (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)
Bãi cây keo “phục hồi môi trường” sau khai thác titan do công ty Hiếu Giang trồng tại thôn An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị). (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)

Tranh chấp môi trường chưa được giải quyết thỏa đáng

Mặc dù luật hình thức – BLTTDS 2004 không có cụm từ nào ghi nhận “tranh chấp về môi trường”, tuy nhiên theo luật nội dung – Bộ luật Dân sự 2005 thì “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi” (Điều 624). Do đó, tranh chấp về môi trường trong pháp luật tố tụng dân sự được xác định là vụ án dân sự thuộc nhóm những tranh chấp về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND).

Mặc dù không có thống kê đầy đủ về số lượng vụ án đã được TAND thụ lý và giải quyết yêu cầu đòi BTTH liên quan đến môi trường, nhưng qua tổng kết hoạt động xét xử của TAND hàng năm, có thể thấy số lượng vụ án loại này được giải quyết không nhiều. Điều này trái ngược với thực tế là thời gian qua số lượng vi phạm ngày càng nhiều, mức độ và phạm vi gây ô nhiễm ngày càng rộng gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt thậm chí đến công việc làm ăn kinh doanh của người dân. Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải ở Đồng Nai, vụ công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, vụ công ty thép Đồng Tiến gây ÔNMT ở Sóc Trăng, vụ Công ty mía đường Sơn La nhiều năm liền gây ô nhiễm…

Xung quanh những vụ việc về gây ÔNMT, giải quyết tranh chấp và xử lý các tổ chức, doanh nghiệp gây ÔNMT có một số đặc trưng sau:

Thứ nhất, thiệt hại do ÔNMT thường lớn và đa dạng từ môi trường sống, tài sản cho đến tính mạng và sức khỏe con người. ÔNMT diện rộng có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ dân trên một địa bàn hoặc nhiều tỉnh lân cận. Nghiêm trọng hơn, nếu ÔNMT không được kịp thời ngăn chặn, hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ người dân đang sống mà có thể là nhiều thế hệ tiếp sau.

Thứ hai, việc chứng minh thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường mất nhiều chi phí và chỉ các cơ quan chuyên môn về các vấn đề môi trường, chuyên môn về sức khỏe con người mới thực hiện được. Những người bị thiệt hại thường khó có khả năng chứng minh thiệt hại, đặc biệt là đối với những thiệt hại cần thiết bị, máy móc hiện đại hoặc những thông tin nền về môi trường cũng như các yếu tố chuyên môn khác.

Thứ ba, thời gian phát hiện các ảnh hưởng của hành vi gây ÔNMT khác nhau tùy thuộc vào từng loại thiệt hại. Có những thiệt hại môi trường có thể xảy ra ngay như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước…, nhưng cũng có những tác động lâu dài mới phát hiện được, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe như bệnh ung thư. Do những đặc trưng này mà quá trình giải quyết vụ án về môi trường thường phức tạp, tốn thời gian và chi phí. Đối tượng bị ảnh hưởng chính thường là người dân, vốn không có khả năng chứng minh thiệt hại của mình cũng như chứng minh hành vi vi phạm của chủ thể gây ÔNMT. Họ càng không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ra thiệt hại và thiệt hại đã xảy ra theo luật định để yêu cầu xử lý trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng thủ tục chung giải quyết tranh chấp dân sự cho giải quyết tranh chấp về môi trường vì vậy không đạt hiệu quả cao, người dân khó tiếp cận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng con đường Tòa án. Phương thức thay thế thường được các bên sử dụng nhằm giải quyết tranh chấp môi trường là thỏa thuận BTTH. Tuy nhiên thỏa thuận đạt được thường có xu hướng bất lợi cho bên bị thiệt hại vì họ không có công cụ, phương tiện nào khác bảo vệ mình ngoài cầu cứu đến sức mạnh truyền thông trong khi quyền lực nhà nước còn nằm ngoài cuộc.

Ô nhiễm dòng suối Vối chảy ra sông Ba, do các nhà máy sắn gây ra (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature
Ô nhiễm dòng suối Vối chảy ra sông Ba, do các nhà máy sắn gây ra (tỉnh Gia Lai). (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Cơ chế tố tụng dân sự đặc biệt giải quyết các tranh chấp về môi trường

Nhìn nhận môi trường là vấn đề được toàn xã hội quan tâm đặc biệt và trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong, sức khỏe, tinh thần của nhân dân, Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu tiên ghi nhận quyền môi trường của công dân. Để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp về môi trường (đặc biệt là BTTH do ÔNMT gây ra), thiết nghĩ đã đến lúc phải xây dựng một cơ chế tố tụng dân sự đặc biệt cho các tranh chấp về môi trường. Trong bối cảnh BLTTDS[1] đang trong giai đoạn sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đưa ra một cơ chế tố tụng dân sự đặc biệt cho việc giải quyết tranh chấp về môi trường. Cụ thể, những cải cách theo khuyến cáo dưới đây cần được xem xét:

Quyền khởi kiện

Theo quy định của Điều 161, 162 BLTTDS 2004 và Điều 162 Luật BVMT 2014, thì chỉ có hai đối tượng là (i) người bị thiệt hại tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoặc (ii) cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Chúng tôi cho rằng cần mở rộng quyền khởi kiện vụ án về môi trường theo hướng các hội như (Hội Nông dân, Hội Bảo tồn Sinh vật Biển, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam,…) có quyền tự mình hoặc khi được ủy quyền khởi kiện vụ án môi trường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (cá nhân, cộng đồng dân cư).

Mặt khác, do đặc thù hành vi vi phạm pháp luật môi trường có thể vừa gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân vừa ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, nên cần phải ghi nhận“chế định đồng nguyên đơn” nhằm gắn kết người khởi kiện với việc bảo vệ đồng thời quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và quyền, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng. Theo đó, cần quy định việc khởi kiện vụ án về môi trường không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, tập thể những người bị thiệt hại có thể cùng đưa đơn khởi kiện hoặc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân khởi kiện.

Trình tự thủ tục

Tòa án có thẩm quyền nhận được đơn khởi kiện vụ án dân sự về đòi BTTH do ÔNMT có trách nhiệm thông báo cho CQ quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hoặc trung ương (nếu vụ việc có tính chất liên tỉnh). Các CQ quản lý nhà nước này có trách nhiệm phải tiến hành các hoạt động xác định các vấn đề chuyên môn về môi trường như mức độ ÔN, mức độ thiệt hại, phạm vi ÔN, phạm vi thiệt hại, khoanh vùng những đối tượng người dân có thể bị ảnh hưởng nhằm bảo đảm bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Những văn bản, kết luận chuyên môn của các cơ quan này phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để Tòa án có thể sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.

Án phí

Cần quy định rõ, trong những trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân, hoặc đối tượng bị thiệt hại là lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thì được miễn nộp tạm ứng án phí, tạm ứng chi phí tố tụng. Nhà nước có trách nhiệm tạm ứng chi phí để thực hiện các hoạt động nhằm thu thập chứng cứ giải quyết vụ án. Tổ chức, doanh nghiệp gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí tố tụng. Quy định này sẽ không chỉ giảm bớt gánh nặng cho cá nhân những người dân bị thiệt hại mà còn nâng cao tinh thần, trách nhiệm của CQ quản lý nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, lợi ích cá nhân.

Thời hiệu khởi kiện

Theo quy định của BLTTDS 2004 (Điều 159) và Luật BVMT 2014 (Điều 162), thì thời hiệu khởi kiện môi trường là 2 năm được tính từ thời điểm người bị thiệt hại biết được thiệt hại này do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác gây ra (thay vì tính từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm theo Luật BVMT 2005). Tuy nhiên, do việc khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm về môi trường có thể kéo dài nhiều năm, vì vậy, trong trường hợp sau 2 năm bên vi phạm không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ khắc phục hậu quả, người bị thiệt hại có thể mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu. Do vậy, cần quy định thời hiệu khởi kiện dài hơn đối với yêu cầu khắc phục những thiệt hại cho môi trường công cộng, lợi ích nhà nước, hay đòi BTTH tính mạng, sức khỏe. Cụ thể, nên áp dụng thời hiệu như của pháp luật hình sự đối với những loại tội tương ứng. Bên cạnh đó, không nên áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đối với một số loại bệnh có đặc thù thời gian bệnh phát tác kéo dài hàng chục năm như bệnh ung thư, các bệnh về dị dạng, thần kinh…

Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện và nghĩa vụ chứng minh

Đặc trưng của tố tụng dân sự là kèm theo đơn khởi kiện, các đương sự có nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ. Do đó, BLTTDS quy định người khởi kiện có nghĩa vụ gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, thông thường người dân bị thiệt hại không thể chứng minh được thiệt hại, hành vi vi phạm và mối quan hệ nhân quả như yêu cầu luật định do thiếu thông tin, kiến thức chuyên môn và kinh phí thực hiện. Do đó, nghĩa vụ chứng minh phải thuộc về người bị kiện (tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm) và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về môi trường đối với các yêu cầu như sự suy giảm sức khỏe, tình hình bệnh tật, mức độ ÔN của môi trường đất, nước, không khí… và việc có hay không mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật môi trường với những thiệt hại đó.

Cơ chế hòa giải tranh chấp môi trường

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 có nêu“khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Do đó, để hỗ trợ cho cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường, cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án xem xét công nhận kết quả thỏa thuận của các bên nếu những thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội mà không phải do CQ nhà nước có thẩm quyền (như Ủy ban nhân dân (UBND)) hay tổ chức có chức năng hòa giải (như các trung tâm hòa giải) tiến hành hòa giải. Về vấn đề này, hiện nay, Dự thảo BLTTDS bổ sung một Chương mới quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án như UBND cấp xã tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai[2], tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan[3]… Trong lĩnh vực môi trường, điểm d khoản 3 Điều 143, Luật BVMT 2014 cũng quy định trách nhiệm hòa giải của UBND cấp xã đối với các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, cần áp dụng thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án đối với các tranh chấp về môi trường theo Điều 413 Dự thảo nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và khả năng thi hành những thỏa thuận của các bên, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên bị thiệt hại – đối tượng dễ chịu thiệt thòi trong thỏa thuận với bên gây thiệt hại. Với việc quy định chặt chẽ điều kiện và thủ tục để Tòa án công nhận kết quả hòa giải sẽ giúp các chủ thể tiến hành hòa giải biết và tránh việc ra quyết định công nhận hòa giải không đúng pháp luật.

Mặt khác, giống như những tranh chấp về lao động, hôn nhân gia đình, đất đai, tranh chấp về môi trường cũng có những đặc thù riêng, do đó cần được tiến hành hòa giải theo những phương thức riêng nhằm đạt được hiệu quả hòa giải cao nhất. BLTTDS sửa đổi cần có những quy định mang tính nguyên tắc về các phương thức hòa giải đặc thù làm cơ sở cho TAND tối cao và các cơ quan chức năng có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể.

Tranh chấp môi trường có yếu tố nước ngoài

Đối với những tranh chấp môi trường xảy ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam như tàu biển bị tràn dầu ở vùng biển quốc tế nhưng gây thiệt hại cho hoạt động ngư nghiệp của Việt Nam, cần nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Việc xây dựng cơ chế tố tụng đặc biệt giải quyết tranh chấp về môi trường sẽ là bước đột phá giúp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử của TAND khi áp dụng BLTTDS và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết vụ việc dân sự, bảo đảm Tòa án thật sự là chỗ dựa vững chắc của nhân dân. Bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước, cơ chế này còn thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong việc thực hiện các biện pháp BVMT ở Việt Nam.


[1] Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).

[2] Theo quy định tại Điều 201 của Luật Đất đai năm 2013

[3] Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005

Th.S. Bùi Thị Dung Huyền và Phùng Thị Hoàn, Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao