ThienNhien.Net – Do giá cao, sức thu mua tăng nhanh mỗi ngày, được các thương lái ngoài nước tận thu ngay bìa rừng, loài thảo dược quý đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Trong các ngày 31/5 và 1/6, các thương lái Trung Quốc, Đài Loan lại thu mua loại cây này với giá hơn 1 triệu đồng/kg. Vì thế, người dân Tây Nguyên đổ xô vào rừng tận diệt loại thần dược đại bổ dương có tên kim cương. Dân gian đồn thổi cây kim cương là thần dược trị bách bệnh, đại bổ dương, cường lực. Do giá cao, sức thu mua tăng nhanh mỗi ngày, được các thương lái ngoài nước tận thu ngay bìa rừng, loài thảo dược quý đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Tận thu ngay tại bìa rừng
Thay vì thu mua cây kim cương một cách gián tiếp qua các đại lý trung gian, các thương lái Trung Quốc, Đài Loan bắt đầu tận thu ngay tại bìa rừng theo kiểu “tiền tươi thóc thật”. “Nhiều thương lái nước ngoài không mua qua chúng tôi nữa mà chạy xe ô tô vào bìa rừng đợi người dân đi tìm cây về là cân lên mua rồi trả tiền ngay tại chỗ. Với sức mua như vậy, người dân như bắt được vàng, ồ ạt, kéo nhau vào rừng tìm cây. Có khi đi cả tuần mới ra một lần”, chị H. cho biết.
Ngoài ra, chợ thảo dược tự phát dọc những tuyến đường vào các xã thuộc huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trở nên “nóng”, “sốt” với các tin tức về cây kim cương. Các thương lái địa phương cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông, Kon Rẫy thuộc tỉnh Kon Tum, cây kim cương đang được nhiều người thu mua với giá rất cao. “Thương lái người Trung Quốc, Đài Loan ra giá thu mua cây kim cương cao lắm. Trước đây, mình đặt mua với người dân khoảng 600-700 ngàn đồng/kg. Từ khi có mặt của thương lái Trung Quốc, Đài Loan, họ thu mua với giá từ 1-1,5 triệu đồng/kg và liên tục đội giá”, chị N.T.T.H., chủ một sạp thu mua thảo dược tại Kon Plông cho biết.
Người dân tại Kon Rẫy, Kon Plông không ngại đường xa, treo mình trên vách đá để kiếm tìm tiên dược. Mức giá hấp dẫn đã dấy lên “phong trào” tận diệt loài cây được công nhận là thảo dược quý. “Giá cao, lại được người ta đến tận rừng mua, trả tiền ngay tại chỗ nên nhà nào cũng có người vào rừng tìm cây. Từ sáng sớm tinh mơ, người ta đã đeo gùi, nắm cơm, đeo nước vào rừng “săn” cây quý.
Đến chiều tối, họ lại trở ra bìa rừng, nơi có những xe ô tô của thương lái đợi sẵn, cân cây, trả tiền. Những năm trước, cây kim cương này nhiều lắm, người dân còn đem nó về trồng làm kiểng, ngâm rượu uống chơi. Thế mà, sau khi các nhà khoa học phát hiện nó có khả năng trị bệnh, người ta thu mua nhiều quá, cũng khan hiếm dần”, anh A.T., 35 tuổi, ngụ xã Hiếu, huyện Kon Plông cho biết.
Theo tin tức người dân địa phương, sức mua cỏ kim cương không ngừng tăng cao sau năm 2010 khi những thông tin về tác dụng chữa bệnh của loài cây này được nhiều người biết đến. Thậm chí, có thời điểm, kim cương còn được các quý ông đồn thổi là có khả năng đại cường dương, ăn vào “dụng cụ” sẽ cứng như kim cương, khiến nó trở thành vị tiên dược phòng the được săn đón, truy lùng nhiều nhất trong các loài thảo dược có mặt tại thung lũng Măng Đen (Kon Tum).
“Luyện thần dược” chỉ là đồn thổi
Khẳng định thông tin trên, bác sỹ Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên bộ Y tế cho biết, những tháng gần đây rộ lên tin đồn loại cây kim cương chữa bệnh rất tốt nên được mua với giá cao, 520.000 – 650.000 đồng/kg khiến nhiều người dân địa phương đổ xô vào rừng săn tìm. Theo những chủ đầu nậu, cây kim cương được thu gom rồi bán sang Trung Quốc và Đài Loan.
Cây kim cương thực tế là cây lan gấm hay còn gọi là cây thạch tằm. Tên khoa học là Anoechilus roxbur- glihayata, thuộc họ lan (Orchidaceae). Theo đông y, lan gấm có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng tư âm nhuận phế, làm mát phổi, mát máu sinh tân dịch, tiêu viêm, lọc máu. Đông y dùng lan gấm để chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược chứ không phải để chữa tim mạch hay ung thư như mọi người vẫn đồn đại.
Cũng theo bác sỹ Đại, một số chuyên gia cho rằng, ở Đài Loan, cây lan gấm vô cùng quý giá, có bán tại các tiệm thuốc bắc hoặc dùng trong nhân dân. Những lời đồn thổi về công năng đại cường dương của loài thảo dược này là thiếu căn cứ và chưa có tài liệu nghiên cứu cụ thể. “Để mọi người hiểu rõ về loại cây này, mong rằng các cơ quan khoa học cần vào cuộc để có kết luận khoa học đúng đắn nhất về giá trị của cây kim cương, thông qua đó bác bỏ được sự đồn đại vô căn cứ”, bác sỹ Đại cho biết thêm.
Lương y Huyên Thảo, một chuyên gia thuốc đông y tại Việt Nam cũng khẳng định: “Trong các tài liệu về thực vật làm thuốc ở trong và ngoài nước mà chúng tôi có trong tay không thấy nói tới tác dụng bổ dương của loại cây này. Bản thân tôi và một số người quen ở những độ tuổi khác nhau đã có nhiều dịp được thưởng thức loại “rau rừng” này. Tuy nhiên, khi dùng xong, chúng tôi đều không thấy có tác dụng đặc biệt gì đối với “dương sự”.
Việc thổi phồng chức năng, công dụng cây kim cương như trên dẫn đến nguy cơ tận diệt, biến mất của loài cây này. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, huyện Kon Plông được nhận định là địa phương còn khó khăn, người dân hầu hết sống tự cung tự cấp. Do đó, khi cây kim cương được tận thu với giá quá cao, vượt xa những mặt hàng nông sản mà người dân trồng được, làn sóng người dân đổ xô vào rừng, săn tìm cây thuốc này là chuyện không hiếm.
“Chính quyền xã cũng nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu người dân hạn chế vào rừng thu hái cây kim cương và những loại thảo dược quý hiếm khác về bán. Nhưng, cuộc sống người dân tại địa phương còn rất khó khăn, giá cây này lại quá cao, có người sẵn sàng bỏ tiền triệu ra mua vào cuối ngày. Mỗi ngày, nếu kiếm được dăm ba ki lô gam thì còn hơn nhiều lần số tiền người dân bán đậu, bắp, khoai,… Do vậy, việc ngăn cản người dân đổ xô vào rừng hái cây kim cương, cây cốt toái bổ, rễ ka na, sâm bảy lá,… là rất khó khăn”, đại diện UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết.
Làm gì để người dân không bị thua thiệt?
Đứng trước nguy cơ “kho” dược liệu quý của địa phương có thể cạn kiệt từ cách khai thác thiếu khoa học của người dân, ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết: “Khí hậu se lạnh đặc trưng và độ cao lớn, cộng với hệ rừng nguyên sinh đã tạo cho địa phương rất nhiều đặc sản, các loài dược liệu quý. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, chưa tạo ra được nhiều giá trị, người dân mới chỉ được hưởng lợi ở “phần ngọn”. Trong nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, chính quyền đã gom hàng tấn các loài thuốc, nông sản về phơi khô, sơ chế đóng gói để giới thiệu cho du khách. Từ cách làm này, chúng tôi sẽ tập cho người dân ở các làng thói quen buôn bán, tạo ra các mặt hàng có giá trị và trao đổi đúng với giá trị để người dân không nhận lấy phần thua thiệt”. |