ThienNhien.Net – Nhiều thông tin, tư vấn đáng tin cậy của các chuyên gia hàng đầu về ngành công nghiệp mắc ca đến từ Úc cho thấy, cơ hội phát triển cây mắc ca của Việt Nam bên cạnh những tiềm năng triển vọng, cũng sẽ đối mặt không ít thách thức.
Để tiếp tục có thông tin đa chiều nhằm định hướng cho việc phát triển cây mắc ca ở VN, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc tại VN, hôm qua (4/6), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, các chuyên gia về mắc ca đến từ Hiệp hội Mắc ca Úc đã đưa ra nhiều thông tin và tham vấn bổ ích cho VN về định hướng phát triển cây trồng này.
Cung tăng, cầu vẫn thiếu
Theo số liệu công bố tại hội thảo của Hiệp hội Mắc ca Úc, năm 2014, sản lượng mắc ca toàn thế giới tiếp tục tăng mạnh với mức 12,5% (tương đương mức tăng khoảng 17 nghìn tấn), đưa sản lượng mắc ca (chưa tách bỏ) của thế giới lên hơn 152,7 nghìn tấn.
Úc và Nam Phi là hai quốc gia có sản lượng mắc ca lớn nhất, lần lượt chiếm 27% và 29% tổng sản lượng mắc ca thế giới, tiếp đến là Kenya với 13%, Mỹ 10%, các nước có sản lượng mắc ca đang kể khác từ 3-5% như Guatemala, Trung Quốc (TQ), Malawi…
Từ năm 2013 đến nay, sản lượng mắc ca thế giới cũng liên tục tăng đều đặn, từ 135,6 nghìn tấn năm 2013 lên hơn 152 nghìn tấn năm 2014 và dự kiến đạt trên 160 nghìn tấn vào năm 2015.
Tại Úc, sản lượng mắc ca dự kiến niên vụ 2015 có thể cán mốc gần 44 nghìn tấn (so với năm 2013 là gần 33 nghìn tấn và năm 2014 là trên 40 nghìn tấn). Năm 2014, Úc và Nam Phi cũng là hai quốc gia có sản lượng mắc ca tăng nhanh nhất với mức tăng lần lượt là 24% và 19%.
Điểm nổi bật theo dự báo của Hiệp hội Mắc ca Úc, bên cạnh các nước Nam Mỹ và Châu Phi như Kenya hay Nam Phi, thì TQ sẽ là nước tham gia mạnh mẽ vào thị trường mắc ca thế giới thời gian tới, bởi theo đánh giá, hiện tổng diện tích mắc ca trồng mới của nước này có thể đã ngang với diện tích mắc ca đang cho thu hoạch của Úc.
Dự báo, nguồn cung mắc ca thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, trong đó Trung Quốc có thể tăng sản lượng SX trong nước lên con số 50 nghìn tấn/năm, Nam Phi cũng có khả năng tăng tiếp thêm 40 nghìn tấn/năm.
Mặc dù sản lượng mắc ca thế giới tăng mạnh, tuy nhiên theo đánh giá của ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc, nhu cầu về mắc ca thế giới hiện vẫn đang vượt nguồn cung, và dư địa phát triển của mắc ca sẽ còn vô cùng lớn.
Hiện lượng tồn kho mắc ca của thế giới được đánh giá là ở mức thấp tính đến vụ thu hoạch năm 2015. Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ mắc ca thế giới hiện chủ yếu chỉ tập trung tới 70% tại 5 quốc gia gồm Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản và Brazil.
Đến năm 2014, Trung Quốc đang nổi lên là nước tiêu thụ mắc ca chưa tách vỏ lớn nhất, chiếm 90% tổng lượng mắc ca chưa tách vỏ tiêu thụ toàn thế giới. Dự kiến năm 2015, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 40 nghìn tấn mắc ca chưa tách vỏ, chủ yếu để tiếp tục chế biến sâu phục vụ cho nhu cầu tại các đô thị thượng lưu lớn.
Theo khảo sát, lượng mắc ca nhân đóng gói bán hàng trực tuyến đã tăng 50% tại Trung Quốc chỉ trong vòng 12 tháng gần đây.
“Nếu VN có ý tưởng gia nhập thị trường mắc ca thế giới sẽ là một điều rất tốt giúp đa dạng thêm thị trường. Bởi nhu cầu mắc ca mỗi năm hiện khoảng 2 tỉ USD, nhưng hiện doanh số tiêu thụ mỗi năm chỉ vài trăm nghìn USD.
Vấn đề là các nước SX mắc ca phải cùng nhau liên kết với nhau để tạo thành một cộng đồng các nước SX mắc ca nhằm điều tiết SX và đẩy mạnh bài toán thị trường. Bài toán kinh tế của mắc ca hiện nay nằm ở vấn đề mở rộng thị trường, chăm sóc thị trường và gia tăng chất lượng sản phẩm.
Cần phải đa dạng hóa hơn các mặt hàng chế biến từ mắc ca, đặc biệt là giúp người tiêu dùng hiểu tác dụng của việc sử dụng mắc ca”, ông Jolyon Burnett đánh giá.
Cũng theo ông Jolyon Burnett, mặc dù hiện có nhiều quốc gia SX mắc ca, nhưng mới chỉ có Úc là đầu tư bài bản cho thị trường toàn cầu với kinh phí hàng năm trên 2 triệu USD.
Tại hội thảo, nhiều quan điểm của chuyên gia VN cho rằng, VN chỉ nên phát triển mắc ca theo phương án trồng xen cà phê, chuyên gia Brice Kaddatz cho rằng: Thực tế ở Úc chưa bao giờ trồng xen mắc ca, bởi các khâu SX đều được cơ giới hóa 100% nên việc trồng xen là không thể. |
“Các nước SX mắc ca cần có thêm đóng góp để kích cầu, nếu không muốn cung vượt cầu khiến giá mắc ca hạ. Hiện 4 nước SX mắc ca lớn gồm Úc, Kenya, Brazil và Nam Phi sẽ được một nguồn tài trợ 200 euro cho một nghiên cứu lâm sàng về tác dụng mắc ca trong năm 2016, chúng tôi rất hoan nghênh VN tham gia”, vị này tiết lộ thêm.
Nên trồng chắc, ăn chắc
Đánh giá cao những triển vọng của cây mắc ca, tuy nhiên tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cũng dành cho các chuyên gia đến từ đất nước khởi xướng cho ngành công nghiệp mắc ca thế giới nhiều băn khoăn: Một là vì sao diện tích mắc ca những năm qua tăng rất chậm tại Úc; hai là tại sao năng suất nhiều nơi ngay ở Úc cũng ngày càng giảm, đồng thời giá mắc ca thế giới rất chênh lệch, trong khi Úc bán giá từ 4-5 USD/kg thì Nam Phi, Kenya có nơi chỉ 1-2 USD/kg…?
Trả lời câu hỏi này, ông Brice Kaddatz, chuyên gia kỹ thuật mắc ca Úc cho rằng, mặc dù có bề dày SX mắc ca hàng đầu thế giới, nhưng thực tế sự phát triển mắc ca tại Úc những năm qua cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đặc thù tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, chọn lọc giống khá khắt khe, việc đầu tư và cạnh tranh của mắc ca từ nhiều quốc gia mới nổi lên cũng là sức ép lớn cho Úc.
“Tôi nghĩ, VN chỉ nên phát triển mắc ca ở những nơi phải đảm bảo rằng có năng suất cao, chất lượng tốt. Kenya, Nam Phi hay Trung Quốc là những bài học khi chạy theo số lượng mà không quan tâm tới chất lượng nên cùng là mắc ca nhưng giá của họ không thể cạnh tranh được ở dòng mắc ca chất lượng cao. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần tính tới áp dụng cơ giới hóa, bởi kể cả việc trồng xen, tận dụng lao động giá rẻ cũng khó mà cạnh tranh được so với việc giảm chi phí SX nhờ cơ giới hóa”, ông Brice Kaddatz nêu quan điểm. |
Tại nhiều vùng mắc ca của Úc thời gian qua cũng đã từng xảy ra những tranh luận gay gắt về việc cạnh tranh giữa cây mắc ca và cây mía đường vốn là cây truyền thống trước đây.
Theo ông Jolyon Burnett, hiện giá thuê đất trồng mắc ca tại Úc là không hề rẻ, lên tới 1.000 USD/ha, cộng thêm khoảng hơn 30 USD/ha dành cho đầu tư, trong khi nhiều diện tích phải 30 năm mới có thể thu hồi vốn. Điều này khiến lợi nhuận không mấy mặn mà. Trong khi đó, nhiều thị trường mắc ca giá rẻ nổi lên như Nam Phi, Kenya đã khiến nhiều nông trại mắc ca không có lãi. Họ buộc phải giảm mức đầu tư hàng năm, điều này lại khiến cho mắc ca ngày càng tụt thêm năng suất.
“Giảm đầu tư, giảm năng suất, kéo theo lợi nhuận giảm cứ thế lặp đi lặp lại như một vòng xoáy ốc. Để lấy lại chỗ đứng của mắc ca, trong khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã phải lấy lại đà đầu tư, hiện đã cơ bản tăng trưởng trở lại”, ông Jolyon Burnett cho biết.
Chuyên gia kỹ thuật Brice Kaddatz đánh giá: Năng suất và chất lượng mắc ca thu hoạch tại vườn chính là chìa khóa quyết định tới lợi nhuận của mắc ca chứ không phải là giá cả.
Để giải bài toán này, hầu hết các trang trại mắc ca của Úc, kể cả mắc ca 30-40 năm tuổi ở các vùng có lượng mưa lớn trên 1.000 mm/năm hiện nay đều có tưới. Đồng thời, nhiều giải pháp kỹ thuật như chống xói mòn đất, bón phân hữu cơ chống xói mòn, tỉa cành tạo tán, phòng trừ dịch hại… cũng đã được thực hiện rất chi tiết.
Việc áp dụng trồng mắc ca chủ động tưới đã nâng rất lớn chất lượng, sản lượng và tăng được giá trị gia tăng thêm từ 35 đến 95% so với không tưới. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, làm cỏ, xử lí cành, thu hoạch, bảo quản, chế biến… đều được cơ giới hóa gần như 100% đã giúp hạ giá thành, giúp mắc ca Úc lấy lại được vị thế của mình.