ThienNhien.Net – Những ngày nắng nóng, tại cửa sông Phú Lộc, cá chết phơi bụng dày đặc cả một đoạn sông, người dân phải sống trong bầu không khí ô nhiễm.
Đà Nẵng đang tập trung xây dựng trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải rác thải và triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Sông Phú Lộc, đoạn chảy qua phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê là “điểm nóng” về ô môi trường kéo dài nhiều năm nay ở Đà Nẵng. Hàng ngày, một lượng lớn nước thải sinh nhiễm hoạt chưa qua xử lý đổ thẳng xuống sông rồi chảy ra Vịnh Đà Nẵng. Người dân sống ở khu vực này hàng ngày hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc. Những ngày nắng nóng, tại cửa sông Phú Lộc, cá chết phơi bụng dày đặc cả một đoạn sông.
Ông Nguyễn Văn Đại, nhà ở sát cửa sông Phú Lộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê phàn nàn, cứ mỗi lần xả nước thải là cả một đoạn sông Phú Lộc đen ngòm, bốc mùi tanh nồng. Bà con phải đóng kín cửa để bớt mùi hôi, ăn cơm thì phải treo màn tránh ruồi nhặng.
“Dân chúng tôi ở đây quá khổ, nhất là mùa hè. Ban đêm, mùi ô nhiễm bay vào nhà chịu không nổi. Khi gió ngoài biển vào, chúng tôi phải đóng cửa kín, thấy không khí này rất khổ sở” – ông Nguyễn Văn Đại than thở.
Tình trạng ô nhiễm ở sông Phú Lộc kéo dài, trong khi đó một trạm xử lý nước thải được đầu tư tiền tỷ xây dựng tại đây vẫn không sử dụng được.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, công suất thiết kế của trạm đảm bảo xử lý 36.000 mét khối/ngày đêm, nhưng hiện nay, lưu lượng nước thải phải thu gom và xử lý vượt quá năng lực xử lý của trạm. Vì vậy, một số tuyến nước thải chưa qua xử lý xả thẳng xuống sông và ra vịnh Đà Nẵng, gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Mai Mã, thành phố đang có chủ trương đầu tư nâng cấp trạm này để bảo đảm thu gom, xử lý lượng nước thải: “Thực ra hệ thống thu gom đưa về nhà máy này vẫn còn những vị trí chưa thu gom, nước ra sông vẫn ô nhiễm. Sắp tới, trong Dự án phát triển bền vững phải tiếp tục thu gom, hoàn thiện toàn bộ hệ thống thu gom dọc sông Phú Lộc; đồng thời nâng cấp cải tạo nhà máy lên với công nghệ mới thì nó sẽ giải quyết được ô nhiễm”.
Lâu nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn một số “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để như: Âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn, bàu Tràm, một số bãi tắm ven biển… Trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều người dân phàn nàn về tình trạng ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch tập trung xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường, nhất là tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, các lô đất trống và tiến tới giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn. Theo đó, thành phố tập trung xử lý ô nhiễm bãi chôn lấp rác ở Khánh Sơn bằng cách bổ sung thêm bạt che phủ, nạo vét bể xử lý kỵ khí, tiến tới đóng cửa bãi rác Khánh Sơn cũ; nạo vét một số vị trí trọng yếu khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang… Trong năm nay, thành phố triển khai dự án kết nối một số trạm xử lý nước thải ở Ngũ Hành Sơn, Hoà Xuân và nâng cấp trạm Sơn Trà.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo Vệ môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay sở Tài nguyên và môi trường cũng đã đề xuất với ủy ban thành phố rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về quản lý, về kỹ thuật. Sở cũng tham mưu cho ủy ban thành phố đánh giá lại hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp, để đầu tư nâng cấp duy trì vận hành trong 2 năm chờ hệ thống xử lý nước thải tập trung khoảng 25.500 mét khối ngày đêm của thành phố sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2017”.
Để đảm bảo mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020, toàn bộ lượng nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường. Trước tốc độ đô thị hóa diễn ra ở Đà Nẵng khá nhanh, nếu không có giải pháp xử lý triệt để điểm nóng ô nhiễm thì mục tiêu xây dựng thành phố môi trường của Đà Nẵng khó thành hiện thực.