Kỳ cuối: Ai phá rừng giống A Sờ?
ThienNhien.Net – Sự thật rừng giống A Sờ bị lâm tặc khai thác theo kiểu “tận diệt” như đã nêu nhưng khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng bài “Tan hoang rừng giống A Sờ”, Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Vương (BQLRPHAV) đã tìm cách biến sự việc từ có thành không và cung cấp thông tin cho 1 cơ quan báo chí, đăng tải bài viết: “Không có chuyện tan hoang rừng giống A Sờ”, phủ nhận toàn bộ sự thật đang diễn ra. Tiếp đó, ngày 12-5-2015, ông Vũ Phúc Thịnh, Giám đốc BQLRPHAV ký Công văn số 22, có nội dung: Bài báo đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng có chi tiết không chính xác, bởi chỉ có 10 cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ trong nhiều năm qua… và yêu cầu đăng thông tin cải chính để trả lại uy tín cho đơn vị và địa phương.
Để nắm thêm thông tin, ngày 26-5-2015, làm việc cùng chúng tôi, ông A Lăng Diên, Trưởng thôn A Bông (xã Macooih, H. Đông Giang, Quảng Nam) cho biết: Tình trạng khai thác gỗ trong rừng giống A Sờ diễn ra trong nhiều năm qua nhưng rầm rộ nhất là từ năm 2012 đến nay. Gỗ được khai thác trong rừng được vận chuyển bằng phương pháp thủ công đưa về 2 xưởng cưa đóng trên địa bàn chế biến thành gỗ thành phẩm sau đó đưa về đồng bằng tiêu thụ. Mặc dù việc khai thác, chế biến gỗ trái phép này diễn ra công khai nhưng chưa bao giờ bị các cơ quan phát hiện bắt giữ. Lúc cao điểm có hơn 10 người sử dụng phương tiện cưa máy (cưa lốc) để đốn hạ và sơ chế gỗ tại rừng. Việc khai thác, vận chuyển gỗ diễn ra gần như công khai và tất cả người dân đều biết rõ sự việc nhưng do tâm lý ngại va chạm nên không ai dám có ý kiến. Cũng theo già làng A Rất Bốc, tại nhiều cuộc họp, nhân dân có ý kiến phản ánh sự việc song các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp ngăn chặn.
Tiếp tục tìm hiểu, ngày 27-5-2015, chúng tôi có buổi làm việc cùng ông Hôih Tin, Bí thư Chi bộ thôn A Đền (xã Macooih) xác nhận: Tại địa phương, chẳng ai không biết việc rừng giống A Sờ bị khai thác gần như trơ trụi. Vì hàng ngày người dân phải vào rừng để hái măng, hái nấm nên biết rõ sự việc. Lâm tặc thường lợi dụng lúc trời mưa kể cả ban đêm để khai thác gỗ. Những lúc như vậy, dù biết rõ các loại gỗ quý bị lâm tặc khai thác nhưng người dân cũng đành chịu… Còn anh T., trú làng thanh niên lập nghiệp A Sờ cho biết thêm: Nhìn bề ngoài rừng giống A Sờ vẫn còn nguyên vẹn song thực tế gỗ lớn đã bị khai thác gần hết. Có 8 con đường được lâm tặc mở vào khu vực rừng giống. Đường mở đến đâu thì khu vực đó gần như không còn… gỗ lớn.
Theo điều tra của chúng tôi, những đối tượng chuyên khai thác gỗ được thuê từ các nơi vào đây hoạt động và cư trú theo diện tạm trú và dễ dàng di chuyển khi các cơ quan chức năng tổ chức truy quét. Bên cạnh đó là mối quan hệ giữa những đầu nậu và người khai thác không phải là mối quan hệ chủ- tớ mà đây là quan hệ đối tác, đôi bên cùng có lợi. Người khai thác được ăn chia phần trăm trên khối lượng khai thác và được thanh toán đủ khi gỗ được đưa khỏi rừng. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc vận chuyển bằng đường qua hai hướng từ xã Macooih đi TT P’rao (H. Đông Giang) về Đà Nẵng hoặc từ xã Macooih sang TT Thạnh Mỹ (H. Nam Giang, Quảng Nam), gỗ còn được lâm tặc vận chuyển bằng đường thủy (sông Bung) về H. Đại Lộc (Quảng Nam) để tiêu thụ.
Trở lại vụ tàn phá rừng A Sờ sau khi được Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh, BQLRPHAV đã tổ chức nhiều trạm canh ven suối dọc đường mòn do lâm tặc tạo ra, đi vào khu vực khai thác từ Km125 đến khu vực cầu Mây (Km126) tuyến đường Hồ Chí Minh ngăn không cho bất cứ ai ra vào rừng, đồng thời gọi răn đe những người phản ánh sự việc cho nhà báo. Anh Trương Minh Triệu (trú thôn A Bông, xã Macooih) cho P.V Báo Công an TP Đà Nẵng biết: Khi phát hiện tôi đi cùng Trung tá Nguyễn Đăng Thời, Cán bộ Đồn Công an A Vương đến khu vực cầu Mây, ngày 16-5-2015, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó BQLRPHAV mời lên… “làm việc” suốt cả buổi sáng với một nội dung: Vào rừng để làm gì?
Sau khi P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cùng các cán bộ CSĐTTPVKT&CV- CA tỉnh Quảng Nam thâm nhập 3/8 đường mòn do lâm tặc tự mở vào Tiểu khu 158, rừng giống A Sờ, chúng tôi đã xác định bước đầu về mức độ, số lượng và khối lượng gỗ bị lâm tặc khai thác khoảng 200m3. Được biết, theo quy định của pháp luật, đối với rừng đặc dụng việc khai thác trái phép có khối lượng từ 20m3 trở lên phải được xử lý bằng biện pháp hình sự. Căn cứ vào những quy định của pháp luật và thực tế xảy ra cho thấy hành vi khai thác lâm sản trái phép xảy ra tại rừng giống A Sờ là đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy những nội dung được nêu trong bài “Tan hoang rừng giống A Sờ” là hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam cần sớm vào cuộc làm rõ vụ phá rừng trên để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.