Tận diệt “lộc rừng”

ThienNhien.Net – Vài tháng trở lại đây, các cánh rừng ở khu vực biên giới giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai trở nên náo động bởi những đoàn người vào tìm ươi. Năm nay, ươi được mùa, được giá khiến nhiều nông dân dùng đủ mọi cách để thu nhặt kể cả chặt luôn cây, đẩy những cánh rừng vào nguy cơ bị tàn phá. Và với cách tận thu như hiện nay, liệu rằng năm sau còn có “lộc rừng”?.

04062015_tandietlocrung

Rộn ràng vào mùa ươi

Ươi là một loại quả rừng có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho cơ thể và được nhiều người ưa dùng. Tại Gia Lai và Kon Tum, ươi thường có trong các cánh rừng ở huyện Sa Thầy, giáp ranh với Campuchia và rừng Quốc gia Chư Mom Ray. Thông thường, cứ bốn năm mới có một mùa ươi và giá thu mua loại quả này cũng khá cao, dao động từ 150 – 200 ngàn/kg. Vì vậy, từ vài tháng trở lại đây, nhiều nông dân ở các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã bỏ cả ruộng. rẫy dồn thời gian và công sức vào rừng tìm ươi.

Sau gần một tuần lặn lội ở khu vực rừng giáp ranh Campuchia, nhóm của ông T.V.N (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) gồm 6 người đã nhặt được hơn 200 kg ươi mang về. Đây là lần thứ 5 nhóm của ông N. vào rừng tìm ươi trong năm nay. “Bốn chuyến trước chúng tôi đi rồi về bán với giá 190 ngàn đồng/kg, chia nhau mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng. Với những người làm nông như chúng tôi, thu nhập từ một mùa ươi bằng cả năm lăn lộn với ruộng rẫy”, ông N. cho biết.

Theo ông N., những ngày tháng 3, đầu mùa ươi rất nhiều người kéo nhau vào rừng như đi trẩy hội. Nhiều gia đình cũng tự thành lập nhóm từ 5 – 6 người cùng nhau vào rừng tìm ươi. Nhưng đến cuối mùa thì lượng người càng ít đi, người hái ươi cũng phải đi sâu hơn, xa hơn vào rừng mới mong tìm thấy ươi. Chưa kể trường hợp gặp mưa thì coi như mất công, mất sức vì hạt ươi dính nước mưa sẽ nở ra và không còn giá trị nữa. Vì vậy, người đi tìm ươi luôn luôn phải cẩn thận để hạt ươi không bị dính nước.

Tại huyện Sa Thầy, nhiều người dân cũng đổ xô vào rừng quốc gia Chư Mom Ray để tìm hạt ươi mang về bán. Bên ngoài thị trấn, nhiều thương lái thu mua hạt ươi đang phơi khô trước nhà chờ xuất bán. Bà H. – chủ một đại lý thu mua ươi tại huyện Sa Thầy, Kon Tum cho biết, lúc cao điểm mỗi ngày bà thu mua được từ 2,5 – 3 tấn ươi. Thị trường tiêu thụ ươi là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí, nhiều thương lái Trung Quốc cũng lên tận nơi để đặt hàng. “Mấy hôm trước có cả người Trung Quốc đi ô tô vào tận đây đặt hàng cho tôi mua hạt ươi. Nhưng số lượng lớn quá mà gần cuối vụ rồi nên tôi không đồng ý”, ông L. – chủ một đại lý thu mua nông sản lớn ở huyện Ngọc Hồi nói.

04062015_tandietlocrung2

Mùa ươi – rừng ngã xuống

Với nguồn lợi kinh tế mà hạt ươi mang lại khiến nó trở thành một loại lâm sản được săn lùng ráo riết và đứng trước khả năng bị tận diệt. Theo nhiều người tìm ươi, hạt ươi bay (là những hạt ươi đã rụng – PV) thường có giá trị cao hơn. Thế nhưng, khi không còn tìm thấy ươi bay, nhiều người hái cả ươi non trên cây mang về bán. Cây ươi có thân thẳng và cao 30 – 40m, do vậy, để hái được hạt ươi trên cây, người ta sẵn sàng chặt hạ cả cây ươi xuống. Ông N. thành thật: “Hạt ươi non rẻ hơn ươi bay cả nửa giá, nhưng nếu gặp thì chúng tôi vẫn hái luôn. Tôi không hái thì người khác cũng hái. Từ đầu mùa đến giờ, tôi cũng mới chặt khoảng 5 – 6 cây thôi!”.

Mỗi chuyến vào rừng cả gần một tuần nên cả nhóm thường cùng nhau chuẩn bị cơm đùm, gạo nắm để mang theo. Bao nhiêu hiểm nguy rình rập như vắt, rắn, muỗi, bệnh tật nhưng dường như cái lợi kinh tế khiến họ không còn để ý đến nó. Chưa kể, việc đốt lửa sưởi ấm và đun nấu thức ăn trong rừng cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến cháy rừng, nhất là mùa ươi lại nằm trong khoảng những tháng mùa khô Tây Nguyên và rừng Kon Tum luôn nằm trong trong danh mục cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm.

Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, việc người dân vào rừng giáp ranh Campuchia và rừng Quốc gia Chư Mom Ray để tìm kiếm ươi là có thật nhưng việc khai thác, chặt hạ cây ươi thì không có. Còn ông Nguyễn Thanh Bình – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: “Hạt ươi là lâm sản phụ người dân có thể vào rừng nhặt những hạt rụng nhưng nghiêm cấm việc chặt hạ cây để lấy hạt. Hiện tại, Chi cục chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân vào rừng chặt hạ cây ươi. Nếu nhận được thông tin sẽ yêu cầu Ban quản lý rừng quốc gia Chư Mom Ray có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn”.

Không thể phủ nhận nguồn lợi kinh tế mà hạt ươi mang lại, thế nhưng, thiết nghĩ người hái ươi cần có ý thức hơn trong việc gìn giữ nguồn lâm sản này. Nếu cứ tận thu, tận diệt như hiện nay, thì không chỉ diện tích rừng bị đe dọa mà trong tương lai, chúng ta cũng sẽ không còn được nhìn thấy “lộc rừng”.