ThienNhien.Net – Có thể thấy, mặc dù Luật BVMT 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có bước tiến trong quy định về đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân, song đối với việc cung cấp thông tin theo yêu cầu lại thiếu cơ chế pháp lý cụ thể như thẩm quyền, trình tự và đặc biệt là thời hạn phải trả lời/cung cấp thông tin. Do đó, để đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân, việc cần làm hiện nay không chỉ dừng lại ở hoàn thiện hành lang pháp lý cụ thể mà còn cần có có chế tài để đảm bảo thực thi.
Cơ sở pháp lý về quyền tiếp cận thông tin môi trường
Có thể coi tiếp cận thông tin (TCTT) là một khái niệm gắn liền với đổi mới ở Việt Nam và được xác lập lần đầu tiên trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991). Thể chế hóa đường lối của Đảng, đến nay Quyền TCTT của công dân và cơ chế bảo đảm quyền này được thể hiện ngày càng cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều 25 Hiến pháp 2013 tiếp tục kế thừa Hiến pháp 1992 công nhận đây là một quyền công dân cơ bản. Hiện có khoảng gần 50 Luật, Pháp lệnh có nội dung liên quan đến Quyền TCTT, trong đó rõ nét nhất là Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 120/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này. Ngoài ra, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (2007) cũng là cơ sở pháp lý không chỉ đảm bảo quyền tiếp cận thông tin “dân biết” của người dân mà còn tạo cơ sở để “dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” đối với những công việc liên quan tới đời sống thiết thân của mình ở cơ sở.
Đối với lĩnh vực môi trường, quyền TCTT được cụ thể hóa trong những quy định của Luật BVMT 2014 về nghĩa vụ công khai thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của các bên liên quan như cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội. Phạm vi thông tin môi trường được tiếp cận chủ yếu thuộc hai nhóm: thông tin được cung cấp theo yêu cầu và thông tin phải công khai. So với Luật BVMT 2005, phạm vi thông tin môi trường phải công khai của Luật BVMT 2014 đã mở rộng hơn đối với kết quả thanh tra, kiểm tra về BVMT. Cũng không chỉ giới hạn là quyền của cơ quan chuyên môn về quản lý môi trường như Luật BVMT 2005, Luật BVMT 2014 đã trao thêm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cho các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Ngoài ra, nhằm khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn trong công tác BVMT, đại diện của cộng đồng dân cư cũng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở đóng trên địa bàn mình. Cơ chế tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngày càng hoàn thiện cũng là cơ sở pháp lý cho sự tham gia và tiếp cận thông tin môi trường của cộng đồng và các tổ chức liên quan ở Việt Nam.
Theo Điều 131 Luật BVMT 2014, có 5 nhóm thông tin môi trường phải được công khai bao gồm: (a) Báo cáo ĐMC, ĐTM và kế hoạch BVMT; (b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; (c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; (d) Các báo cáo về môi trường; và (đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về BVMT. Tuy nhiên nếu “các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai”.
Tương tự Luật BVMT 2005, Luật BVMT 2014 tiếp tục yêu cầu hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin (Khoản 2 Điều 131). Nghị định 19/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật BVMT đã cụ thể hóa các hình thức cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư như (i) tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; (ii) trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (iii) niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trụ sở UBND cấp xã; (iv) họp báo công bố công khai; (v) họp phổ biến cho cộng đồng dân cư; (vi) các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng được cung cấp định kỳ ít nhất 1 lần/năm và thời gian công khai thông tin trên trang điện tử chính thức và niêm yết tối thiểu là 30 ngày. Trong thủ tục tham vấn thực hiện ĐTM, hình thức công khai thông tin và lấy ý kiến được thực hiện dưới hình thức họp cộng đồng dân cư (khoản 6 Điều 12, Nghị định 18/2005/NĐ-CP về quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM và Kế hoạch BVMT).
Có thể thấy, mặc dù Luật BVMT 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có bước tiến trong quy định về đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân, song đối với việc cung cấp thông tin theo yêu cầu lại thiếu cơ chế pháp lý cụ thể như thẩm quyền, trình tự và đặc biệt là thời hạn phải trả lời/cung cấp thông tin. Do đó, để đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân, việc cần làm hiện nay không chỉ dừng lại ở hoàn thiện hành lang pháp lý cụ thể mà còn cần có có chế tài để đảm bảo thực thi. Hiện nay, Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT mới chỉ coi việc các bên liên quan không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đúng cho cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm và cần phải xử phạt, trong khi đó lại thiếu chế tài cho việc cơ quan quản lý hay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không cung cấp thông tin cho người dân theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu lực thực thi các quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường
Thực tiễn thi hành các quy định về tiếp cận thông tin môi trường theo quy định của Luật BVMT 2005 cho thấy, các quy định bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân còn chưa được thực thi đầy đủ. Không ít cơ sở sản xuất kinh doanh có báo cáo ĐTM hoặc cam kết BVMT (CBM) chưa thực hiện nghiêm quy định công khai theo Điều 104 Luật BVMT 2005. Bản thân không ít chính quyền địa phương cũng thấy lúng túng về cách thức bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các báo cáo ĐTM và các CBM đã đăng ký.
Những bất cập trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin nêu trên có thể dẫn đến một số hệ lụy. Chẳng hạn, cán bộ, công chức có thể lợi dụng vị trí đặc quyền để trục lợi trong việc cung cấp thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội. Thông tin không được cung cấp một cách chính thức, kịp thời dẫn đến việc người dân có thể tiếp nhận những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh. Do thiếu thông tin nên sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước cũng như việc giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước đều bị hạn chế. Việc thiếu thông tin cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan nhà nước, đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất, thiếu bình đẳng, làm gia tăng sự tuỳ tiện, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức (Bộ Tư pháp, 2015).
Do đó, để tránh những hạn chế về quyền tiếp cận thông tin như tình trạng đã xảy ra khi thực hiện Luật BVMT 2005, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn và thực thi Luật BVMT 2014 cần hướng tới những nội dung sau:
Thứ nhất, xác định rõ nguyên tắc tiếp cận thông tin và hành vi bị cấm trong thực hiện quyền và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo tinh thần khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, ngoài những thông tin hạn chế tiếp cận được xác định, khi có nhu cầu, công dân có quyền tự do tiếp cận với tất cả các loại thông tin có sẵn do cơ quan, tổ chức nắm giữ trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình.
Thứ hai, phân biệt rõ phạm vi thông tin được tiếp cận và thông tin hạn chế tiếp cận, tiếp cận thông tin trong một số trường hợp đặc biệt, trên cơ sở đó xác định rõ chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin; quy định hình thức, trình tự, thủ tục, thời hạn công bố công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu nhằm đảm bảo rằng công dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Thông tin hạn chế tiếp cận cần được quy định cụ thể, phù hợp với Hiến pháp 2013 như đảm bảo quyền tiếp cận thông tin nhưng đồng thời đảm bảo sự an toàn thông tin về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư, bí mật cá nhân… nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người, bảo vệ lợi ích cộng đồng, tránh việc lạm dụng dẫn tới vi phạm các quyền bí mật được pháp luật bảo vệ.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế cho việc cung cấp thông tin theo yêu cầu. Về cơ bản, chưa có quy định một cách đầy đủ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, thiếu các quy định về các nguyên tắc cần tuân thủ khi yêu cầu và cung cấp thông tin theo yêu cầu. Các quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin; về thời hạn, lệ phí cung cấp thông tin, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến cung cấp thông tin… nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau với mức độ chi tiết khá khác nhau, thậm chí có những lĩnh vực chưa có các quy định này. Ví dụ Luật Tài nguyên nước quy định tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về tài nguyên nước phải trả phí sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (khoản 3 Điều 8). Luật BVMT 2014 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho cơ quan chuyên môn về BVMT các cấp (Điều 130), cho đại diện cộng đồng dân cư (Điều 146) nhưng chưa có quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin…
Thứ tư, hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho tìm kiếm và tiếp cận thông tin. Hiện nay việc công khai thông tin nằm rải rác ở nhiều cơ quan quản lý và được quản lý, công bố trên nhiều trang thông tin điện tử, niêm yết công khai tại trụ sở…, gây khó khăn trong việc thu thập và quản lý thông tin. Mặc dù, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài nguyên và môi trường (http://nredb.ciren.vn/) từ 2010 – 2014 nhưng đến nay cơ sở dữ liệu vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu này để xây dựng cơ sở hạ tầng thống nhất thông tin về ngành tài nguyên môi trường ở cấp trung ương và địa phương nhằm vừa đảm bảo việc thống nhất quản lý, vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin môi trường một cách có hệ thống và dễ dàng.
Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh về cách thức thực thi trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo quy định của Luật BVMT 2014. Thông qua đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận thức rõ và cụ thể về trách nhiệm của mình và cách thức tuân thủ quy định của pháp luật, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện trong thực tế.
Cuối cùng, cần tăng cường giám sát và xử lý vi phạm, khiếu nại trong lĩnh vực cung cấp thông tin. Cần quy trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm các nguồn lực và biện pháp cần thiết cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm trong lĩnh vực cung cấp thông tin.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tư pháp, (2015), Đánh giá thực trạng pháp luật về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Đặng Tâm Chánh và cộng sự (2014), Báo chí với quyền tiếp cận thông tin, Nhóm nghiên cứu Sài Gòn truyền thông.
TS. Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp