ThienNhien.Net – Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 140km bờ biển. Dân cư tập trung ở các xã ven biển ngày càng đông nhưng việc quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Huyện đảo Lý Sơn được quy hoạch là một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam. Trước đây, tại khu vực đảo này có hơn 700 loài động, thực vật với gần 140 loại rong biển, hơn 150 loại san hô…. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của đoàn nghiên cứu thuộc Viện Kỹ thuật biển – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi mới đây thì một số loài quý hiếm, có giá trị cao, cần được bảo vệ như san hô đen, hải sâm, tôm hùm… hầu như không còn; thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn bị biến mất.
Nguyên nhân của tình trạng này là do việc khai thác quá mức bằng thuốc nổ theo kiểu tận diệt của người dân. Ngoài ra, các nguồn chất thải, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng là những nguyên nhân làm suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái tại vùng biển đảo này.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Yết, Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Khi chúng tôi xây dựng khu quy hoạch này không cấm hoàn toàn người dân khai thác. Trong giai đoạn đầu, người dân được hướng dẫn và khai thác đảm bảo mức độ an toàn và phát triển của các tài nguyên sinh vật biển nhưng họ dần quên đi, dẫn đến tình trạng khai khác quá mức.”
Tại Khu du lịch Mỹ Khê, thành phố Quảng Ngãi từng được xem là bãi tắm đẹp nhất của tỉnh Quảng Ngãi hiện đang bị ô nhiễm bởi rác thải. Chị Nguyễn Thị Phương Chi, một người bán hàng ở bãi biển Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi phàn nàn về ý thức của một số du khách khi đến đây vui chơi, tắm biển: “Họ đem các đồ ăn, một số vật dụng tới. Sau khi dùng xong thì họ đứng dậy bỏ đi mà không có ý thức thu gom, dẫn đến việc rác có mặt ở khắp trên bãi biển”.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ven biển, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai Đề án quản lý tổng hợp đới bờ tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và Lý Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Ngọc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Quảng Ngãi thì mục tiêu Dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về quản lý tổng hợp đới bờ để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, ven biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển của địa phương.
“Hiệu quả của dự án này là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân ven biển về vai trò, vị trí của đới bờ và công tác quản lý tổng hợp và tiến hành điều tra một số các nguồn tài nguyên và các xung đột, ví dụ như về xói lở bờ biển, về xả thải đới bờ, công tác quản lý môi trường ở đới bờ”.
Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân. Có vậy mới đảm bảo phát triển kinh tế biển một cách bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng biển .