ThienNhien.Net – Hệ thống quan trắc không khí tự động của TP.HCM, gồm 8 điểm được triển khai từ năm 2000 nhưng được đánh giá hư hỏng từ cách đây nhiều năm, đã dẫn đến sai số trong các cảnh báo sớm về mô nhiễm không khí. Trong khi đó, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra hiện tượng gia tăng các hoạt động xả khí thải tại các nhà máy công nghiệp, bụi bẩn, hóa chất lẫn trong không khí và khí thải từ hàng triệu xe cơ giới ra vào thành phố mỗi ngày ở nồng độ cao…
Nồng độ chì lơ lửng trong không khí cao gấp nhiều lần quy chuẩn
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, 8 điểm quan trắc không khí được triển khai vào năm 2000 và đến nay đã cũ kỹ, hư hỏng và ảnh hưởng không nhỏ đến độ chính xác của các cảnh báo sớm về nồng độ ô nhiễm trong không khí. Đó là chưa kể, các điểm quan trắc không khí còn phân bố không đều, trong đó có 3 điểm quan trắc tại các khu vực giao thông; 3 điểm đặt tại các KCN và 2 điểm đặt tại khu dân cư. Thời gian qua, các điểm quan trắc đã đo được lượng ô nhiễm về nồng độ chì và tiếng ồn trong không khí. Nếu như năm 2009, nồng độ chì đo được tại các trạm quan trắc dao động trung bình ở ngưỡng 0,22 – 0, 38 g/m³ không khí; Nồng độ NO2 cũng vượt tiêu chuẩn cho phép và dao động ở mức 0,19 – 0,34mg/m³;… thì đến năm 2013, tổng lượng bụi lơ lửng trong không khí trung bình khoảng 0,33 – 0,74 mg/m3 (vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 1,1 – 2,47 lần). Ngoài ra, nồng độ chì tại nhiều giao lộ cũng tăng trung bình 10 – 36% mỗi năm. Tuy nhiên, đây mới là các số liệu chưa mang tính đại diện cho bầu không khí tại TP.HCM do sự phân bố không đều tại các điểm quan trắc.
Các nghiên cứu lo ngại, nếu tiếp tục nhìn vào các con số thiếu chính xác về nồng độ ô nhiễm không khí nêu trên thì sẽ rất khó khăn để đưa ra các cảnh báo nghiêm túc cho người dân và cộng đồng. Đáng chú ý, hoạt động xả khí thải sản xuất của các nhà máy công nghiệp, tập trung tại KCN Tân Bình, KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung… đang khiến bầu khí quyển gia tăng lượng hóa chất ô nhiễm. Đó là chưa kể, một lượng không nhỏ các nhà máy, cơ sở sản xuất tại khu dân cư vẫn chưa được trang bị hệ thống xử lý khí thải.
Ô nhiễm không khí (ngoài ô nhiễm tiếng ồn) thì rất khó được phát hiện bằng mắt thường hoặc các giác quan thông thường của con người. Hơn nữa trong thực tế các hoạt động xả thải lén ra môi trường thường diễn ra vào ban đêm, các cơ quan chức quản lý môi trường của thành phố hiện cũng chưa có biện pháp kiểm soát được hàm lượng các hóa chất tại các lò đốt, các khu xử lý rác thải tập trung…
Tiếng ồn vượt mức
Chưa kể chỉ tính riêng lưu lượng các loại xe cơ giới ra vào mỗi ngày tại TP.HCM cũng là một lo ngại lớn về ô nhiễm tiếng ồn và khí thải đối với người dân đô thị. Ước tính số lượng phương tiện giao thông cá nhân tại TP.HCM đã chạm mức 1/2 dân số thành phố (trung bình 2 người có hơn 1 chiếc xe), dù đã giảm một lượng lớn xe 3 – 4 bánh tự chế từ 2009 cho đến nay. Năm 2014, số xe máy đăng ký đã lên đến gần 6 triệu chiếc và hơn 2 triệu chiếc vãng lai đã gây nên một áp lực lớn đối với TP.HCM. Trong đó, lưu lượng trung bình trên 2 triệu người (chủ yếu trong độ tuổi lao động) ở ngoại tỉnh tạm trú hoặc đưa xe vào thành phố lưu thông mỗi ngày cũng gây ra những lo ngại không chỉ về ô nhiễm không khí, tiếng ồn mà gây ách tắc giao thông, kẹt xe liên tục tại các tuyến đường huyết mạch ra vào thành phố.
Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM) thì mức độ tiếng ồn của TP.HCM hiện nay ở mức độ cao hơn so với nhiều đô thị khác trên cả nước. Bằng chứng là mức độ tiếng ồn đo được tại các khu vực giao lộ lớn đang tăng cao. Cụ thể, tại ngã tư An Sương có mức độ tiếng ồn cao nhất là 83dBa, khu vực vòng xoay Phú Lâm có tiếng ồn cao nhất là 79dBa, khu vực ngã 4 Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ thậm chí đo được tiếng ồn ở mức 82dBa)…
Lo ngại về sức khỏe
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, với xu hướng gia tăng mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế gần đây, các bệnh nhân về đường hô hấp luôn chiếm tỷ lệ mắc cao nhất cả nước, với nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra. Cụ thể, một nghiên cứu thống kê cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% viêm họng và viêm amidan cấp; 3.1% viêm phế quản và viêm tiểu phế quản;…Đáng chú ý, theo PGS. Nguyễn Đinh Tuấn, trong nhiều năm gần đây tại các đô thị có nồng độ ô nhiễm không khí cao, như: TP.HCM, Đồng Nai, Hải Phòng có tỷ lệ người nhiễm nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp gấp 4-5 lần so với các đô thị khác. Trong đó, số người bị các bệnh đường hô hấp (thường do ô nhiễm không khí gây ra) chiếm từ 3-4% tổng dân số.
Các nghiên của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) thời gian qua cũng chỉ ra hệ lụy của tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, gắn liền với sự gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông, phát triển các ngành công nghiệp,…là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng tác động tổng hợp tới biến đổi khí hậu, với các đo đạc về sự gia tăng khí nhà kính, gây ra hiện tượng nóng lên của toàn cầu.