ThienNhien.Net – Ngày 1/6, tại thành phố Bonn của Đức bắt đầu diễn ra vòng đàm phán cấp chuyên viên của đại diện các nước trên thế giới nhằm chuẩn bị cho một thoả thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 12 tới ở Paris, Pháp.
Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết vòng đàm phán kéo dài trong hai tuần có ý nghĩa quan trọng khi chỉ còn khoảng sáu tháng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris, và đúng một tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ở Bayern (Đức) vốn đặt chính sách khí hậu là một trọng tâm.
Theo ông Christoph Bals, lãnh đạo tổ chức Germanwatch, Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) đổ vỡ do không có văn kiện dự thảo đạt được đồng thuận của các bên trước khi diễn ra hội nghị.
Tại vòng đàm phán ở Bonn, các nhà đàm phán sẽ nỗ lực đi tới một văn kiện để có thể đạt được sự nhất trí về cơ bản giữa các bên cho tới tháng Mười năm nay, khoảng sáu tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ở Paris. Các cuộc đàm phán tại Bonn được kỳ vọng sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể cho thoả thuận ràng buộc về pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo ông Bals, Hội nghị Thượng đỉnh G7 phải cho thấy quyết tâm thoát khỏi nguồn năng lượng hóa thạch tới giữa thế kỷ này.
Tại Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) ở Lima (Peru) cuối năm 2014, các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) đã đạt được thỏa thuận khung về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn còn xa mục tiêu trở thành một văn kiện pháp lý quốc tế ràng buộc.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Đức sẽ chờ đợi những cuộc đàm phán khó khăn tiến tới mục tiêu bảo vệ khí hậu Trái Đất, bởi trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận ràng buộc toàn cầu, trong đó các nước mới nổi như Trung Quốc cũng có trách nhiệm tham gia.
Trong năm 2014, lần đầu tiên lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới không tăng, bấp chấp nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng, cũng là năm đầu tiên Trung Quốc sử dụng ít than đá hơn trước. Đức, quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng, đang bị đe dọa không thể đạt các mục tiêu về biến đối khí hậu.
Theo các chuyên gia, Đức chỉ có thể đạt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải vào năm 2020 so với năm 1990 khi giảm được 22 triệu tấn khí thải, đặc biệt từ các nhà máy điện than ở nước này. Cuối tuần qua, tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh đã tiến hành biểu tình ở 60 thành phố của Đức kêu gọi có chính sách cụ thể hơn bảo vệ khí hậu cũng như từng bước thoát khỏi nguồn năng lượng than đá.