ThienNhien.Net – Mấy tháng nay, nhiều hộ dân ở tổ dân phố Thành Công (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) phải sống chung với khói bụi từ các lò đốt than của đại lý phân bón – cà phê – nông sản Hồng Tự (đại lý Hồng Tự). Bất chấp sự kiểm tra của chính quyền, những lò than không phép vẫn tiếp tục hoạt động giữa khu đông dân cư.
Sống chung với khói bụi
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến lò than của Đại lý Phân bón – Cà phê – Nông sản Hồng Tự (đại lý Hồng Tự), đặt tại TDP Thành Công (thị trấn Ea Pốk). Từ tỉnh lộ 8 rẽ theo hướng về xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) khoảng 700m, khu liên hợp mua bán nông sản – mua củi – lò đốt than của đại lý này hiện ra trước mắt chúng tôi.
Theo ông Trần Văn Liệu (ở đối diện đại lý Hồng Tự), vào tháng 12/2014, đại lý bắt đầu xây dựng 9 lò đốt than củi. Từ khi đi vào hoạt động, các lò than này thường xuyên thải khói độc, mùi khét ra bên ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực. “Vào những ngày cao điểm, các lò than thay phiên nhau hoạt động 24/24, mùi khói than nồng nặc, bao trùm cả vùng. Cháu ngoại tôi năm nay học lớp 1, hít khói than có vài tháng mà đã bị viêm phổi, đêm ngủ thường xuyên chảy máu mũi. Không biết sau này sức khỏe của nó còn bị ảnh hưởng thế nào nữa?” – ông Liệu kể.
Còn anh Trần Văn Thương (cùng TDP Thành Công) bức xúc: “Cứ gió theo hướng nào là khói thải và mùi độc hại theo hướng đó “hành” các hộ dân lân cận. Vào mùa khô, khói bụi của các lò than theo hướng gió tràn vào nhà tôi, ngột ngạt và khó thở vô cùng. Ngoài ra, các vật nuôi (gà, heo) trong trang trại của tôi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, chậm lớn hoặc mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà chết. Biết khói than rất độc hại, gia đình tôi và một số hộ dân khác đã sang nhà yêu cầu chủ lò than khắc phục nhưng chủ cơ sở vẫn cố tình không khắc phục, thậm chí còn buông lời thách thức”.
Ông Nghiêm Quang Mạnh (Tổ trưởng TDP Thành Công) xác nhận khói bụi từ các lò than của đại lý Hồng Tự ảnh hưởng đến các hộ dân ở khu vực lân cận (gồm cả gia đình ông) trong khoảng 4 tháng nay là có thật. “Vì cả nể, nhiều người dân đã góp ý nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn nên họ đã gọi điện vào đường dây nóng của Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh. Cách đây khoảng 10 ngày, họ đã xuống kiểm tra nhưng kết quả như thế nào chúng tôi chưa được biết. Mới đây, vào ngày 29/5, một số người dân đã có đơn kiến nghị gửi lên UBND thị trấn Ea Pốk xem xét, giải quyết vấn đề này” – ông Mạnh nói.
Hoạt động trái phép?
Theo ông Trần Văn Tự (chủ đại lý Hồng Tự), tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ cà phê, muồng… sẵn có tại địa phương, gia đình ông đã xây dựng 9 lò đốt than dạng mái vòm (sức chứa 25 tấn củi/1 lò) và luân phiên đốt (khoảng 3 lò/lần) từ trước Tết Nguyên đán 2015 đến nay. Ông Tự cũng thừa nhận việc xây dựng các lò đốt than không được chính quyền cho phép và khói bụi của lò than có ảnh hưởng (nhưng không đáng kể) đến các khu vực lân cận.
Khi PV đề cập vấn đề “tự ý” xây dựng lò than trong khu đông dân cư là hành vi trái phép thì bà Hồng (vợ ông Tự) nói: “Toàn tỉnh Đắk Lắk có cả nghìn lò than đang hoạt động, gần đây cũng có người xây dựng 15 – 20 lò, chẳng lẽ đóng cửa hết?. Mới đây, khi các cán bộ CSMT xuống kiểm tra các lò than của chúng tôi và đã nói là mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Ngay cả khi các lò than đang hoạt, ở gần cũng không thấy có mùi khó chịu như những người dân ở đây phản ánh. Chẳng qua họ ghen ăn tức ở với gia đình tôi nên mới làm như vậy”.
Ông Bùi Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk, cho biết: “Ngay trước Tết Nguyên đán 2015, thị trấn đã cử người kiểm tra hành chính nhưng đại lý Hồng Tự không xuất trình được cái giấy tờ có liên quan. Mặc dù thị trấn đã báo cáo vấn đề này lên huyện nhưng từ đó đến nay, các lò than vẫn hoạt động. Ngày hôm qua (1/6), chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND huyện và sắp tới sẽ phối hợp với phòng TN&MT huyện tiếp tục kiểm tra. Riêng về mức độ ảnh hưởng của lò than, chúng tôi phải chờ kết quả giám định của Phòng CSMT Công an tỉnh mới đề xuất cấp trên xem xét, giải quyết”.
Theo ông Trần Tuấn Ngọc – Trưởng phòng TN&MT huyện Cư M’Gar, căn cứ vào quy định về việc đầu tư xây dựng lò đốt than, chủ lò than phải xin giấy phép xây dựng, phải có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và đặc biệt là việc xây dựng phải đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Như vậy, để được xây dựng lò đốt than, các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình phải đến UBND huyện hoặc các sở, ban ngành cấp tỉnh để làm các thủ tục theo quy định hiện hành. “Thời gian gần đây, huyện không hề phê duyệt cho bất kỳ lò than nào hoạt động trên địa bàn, nhất là tại trong khu đông dân cư. Nếu các lò than này hoạt động không có phép, phòng sẽ tham mưu UBND huyện ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động, sau đó thu hồi giấy phép kinh doanh” – ông Ngọc nói.