ThienNhien.Net – Có hệ thống xử lý nước thải nhưng do hệ thống dẫn nước thải lại không chảy tới nơi xử lý, gây ô nhiễm môi trường là câu chuyện “bi hài” diễn ra tại Công ty TNHH MCNEX VINA (có trụ sở tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, TP. Ninh Bình). Việc này đã ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến sức khỏe hàng trăm hộ dân sống tại thôn Phúc Hạ, xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình.
Liên tục xả thải chưa qua xử lý
Theo phản ánh của người dân, từ cuối năm 2013 khi Công ty TNHH MCNEX VINA (Công ty MCNEX VINA) – với 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất mô-đun camera, linh kiện điện thoại bắt đầu đi vào hoạt động thì mỗi ngày ở đây có hàng trăm m3 nước thải chưa qua xử lý, được Công ty này thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, khiến tình trạng ô nhiễm ở khu vực này ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Vũ Văn Nghĩa, thôn Phúc Hạ, xã Ninh Phúc bức xúc: Gần 2 năm nay, hàng trăm hộ dân chúng tôi phải sống trong tình trạng ô nhiễm từ việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty MCNEX VINA. Đặc biệt là xung quanh khu vực này đều là ruộng canh tác của các hộ dân, nước thải tràn ra ruộng, mỗi khi đi làm đồng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, lội xuống là nước nổi bọt trắng xóa, gây ngứa tay, ngứa chân… chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền xã để có biện pháp xử lý, khắc phục tuy nhiên đến nay vẫn chưa xử lý được.
Có mặt tại khu vực cống xả thải của Công ty MCNEX VINA, theo quan sát của chúng tôi, nước thải được thải trực tiếp ra khu vực mương thủy lợi và tràn cả vào ruộng của các hộ dân nằm ngay tại miệng cống. Nước thải ra có màu đen, bốc mùi tanh và hôi thối nồng nặc.
Trước những bức xúc của người dân, đầu tháng 5/2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Ninh Bình đã bắt quả tang Công ty TNHH MCNEX VINA có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Quá trình điều tra cho thấy, công ty này đã xả nước thải có các thông số gây ô nhiễm môi trường như a-mô-ni, coliform… vượt quá quy chuẩn cho phép từ 8 đến 33 lần ra môi trường trong nhiều tháng. Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị xử lý Công ty TNHH MCNEX VINA theo quy định của pháp luật.
Có sự ưu ái?
Lê Khắc Khoa, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết, vào cuối tháng 4/2015, Sở đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MCNEX VINA về hệ thống xử lý nước thải. Tại buổi làm việc, Sở đã phát hiện ra hệ thống nước thải của Công ty được xây dựng chưa đảm bảo thiết kế, chất lượng kém. Cụ thể là khi sản xuất thì hệ thống nước thải chảy ra mà không được dẫn vào hệ thống xử lý, gây ô nhiễm. Sở đã lập biên bản và yêu cầu Công ty xử lý trong vòng 6 tháng.
Liên quan tới việc Cảnh sát môi trường tỉnh Ninh Bình bắt quả tang công ty này xả thải, ông Khoa cho biết, việc điều tra, bắt quả tang là việc chuyên môn của Phòng Cảnh sát môi trường, còn theo quan điểm của Sở thì tiếp tục đôn đốc công ty hoàn thiện hệ thống đúng theo Báo cáo đánh giá tác động mà công ty ký kết và theo biên bản đã ký trước đây.
Ông Khoa cũng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp đã triển khai đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy thu gom và xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mới chỉ có 2 khu công nghiệp là Gián Khẩu và Khánh Phú là đã xây dựng xong nhà máy thu gom xử lý nước thải, nhưng hoạt động rất cầm chừng. Riêng Khu công Nghiệp Phúc Sơn mới chỉ có một đơn vị là Công ty MCNEX VINA là được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp phép hoạt động. Do chưa có nhà máy thu gom xử lý nước thải tập trung, nên việc xử lý nước thải ở đây được thực hiện bằng hình thức xử lý thông qua hệ thống bể phốt của công ty.
Tuy chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng khi xả thải ra môi trường và được cấp phép xả thải thì nước thải phải được xử lý đạt một chất lượng nhất định chứ không thể thông qua hệ thống bể phốt như công ty MCNEX VINA đang thực hiện.
Vì sao doanh nghiệp này liên tục xả thải chưa qua xử lý nhưng cũng chỉ bị phạt, yêu cầu khắc phục (nhưng chưa thực hiện) và vẫn hoạt động bình thường? Câu hỏi này rất cần được cơ quan chức năng của Ninh Bình trả lời thỏa đáng để những người dân đang ngày đêm phải sống chung với ô nhiễm tại khu vực này không còn bức xúc.