ThienNhien.Net – Giữ nguyên phần đất lấn sông và chuyển thành dự án khác là hợp thức hóa cho vi phạm.
“Người dân đang rất nóng lòng trông đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng về dự án lấn sông Đồng Nai. Cá nhân tôi và nhiều nhà khoa học tham gia phản biện dự án này đều mong muốn hủy bỏ dự án” – TS Vũ Ngọc Long (ảnh), Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) – phía Nam, bày tỏ khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 31-5.
Phạm luật, lại thiếu cơ sở
. Phóng viên: Theo ông, dựa vào cơ sở pháp lý nào mà ông lại đề nghị hủy bỏ dự án lấn sông Đồng Nai?
+ Ông Vũ Ngọc Long: Điều 45 Nghị định 201/2013 hướng dẫn Luật Tài nguyên nước nêu rõ: UBND tỉnh chỉ có quyền xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án cải tạo sông nội tỉnh. Trong khi đó, sông Đồng Nai lại là sông liên tỉnh nên phải chịu sự giám sát của Bộ TN&MT. Vì vậy khi chưa có sự đồng ý của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho nhà đầu tư lấn sông là sai. Ngoài ra dự án còn vi phạm khoản 2 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường, vi phạm Điều 12 Luật Phòng chống thiên tai… Với những vi phạm này có thể khẳng định đây là dự án trái phép nên cần thiết phải hủy bỏ dự án.
. Còn ở góc độ khoa học, theo ông thiếu sót lớn nhất của dự án này là gì?
+ Ngoài việc thiếu cơ sở pháp lý, không lấy ý kiến tham vấn người dân địa phương, các tỉnh, thành lân cận… thì cơ sở khoa học của dự án này cũng rất đáng lo ngại. Sau khi dư luận lên tiếng, tôi và nhiều chuyên gia của VRN đã vào cuộc, khảo sát và nghiên cứu trong một thời gian khá lâu. Tại hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức mới đây, chúng tôi đã có báo cáo, chứng minh những thiếu sót cụ thể. Theo đó, cách tính toán về dòng chảy của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Viện MT&TN chỉ mới ở mức độ sơ sài, chưa phải là báo cáo nghiên cứu khoa học dành cho một dự án thi công. Nếu thực hiện dự án dựa trên “cơ sở khoa học” như thế hậu quả sẽ rất khó lường. Công trình này có thể gây ra tình trạng xói lở nghiêm trọng cho vùng hạ lưu như cù lao Phố, cầu Ghềnh…
Không nên hợp thức hóa vi phạm
. Trước sự việc này, có ý kiến đề nghị chuyển đổi dự án lấn sông có cao ốc, nhà phố, biệt thự thành dự án công viên cảnh quan ven sông để tránh lãng phí, ông thấy thế nào?
+ Trước khi báo cáo Thủ tướng, Bộ TN&MT đã lấy ý kiến các nhà khoa học, các đơn vị liên quan về vấn đề này. Quan điểm cá nhân tôi và các chuyên gia thuộc VRN là không nên hợp thức hóa dự án này thành dự án khác. Nếu làm dự án công viên ven sông cũng phải tuân thủ các quy định bảo vệ dòng sông, được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, đồng thời phải có các tính toán, đánh giá đầy đủ và khoa học chứ không phải làm theo cách “đối phó với dư luận”.
Việc lấn sông vừa qua như tôi đã nói là có nhiều vi phạm nên không đủ điều kiện để tồn tại. Chúng ta phải hiểu rằng các nhà khoa học, dư luận phản đối chuyện lấn sông chứ không phải phản đối nhà đầu tư. Cho nên nếu xây công viên mà cũng lấn sông như dự án hiện nay thì sao chấp nhận được.
. Vậy với khối lượng đất đá đã đổ xuống vừa qua thì cần xử lý thế nào, thưa ông?
+ Theo tôi nên lập ban tư vấn để giải quyết hậu quả của việc lấn sông vừa qua. Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ “giải quyết hậu quả” vì đây là dự án trái phép, cần phải hủy bỏ. Còn chuyện xử lý lượng đất đá đã đổ xuống sông sẽ do ban tư vấn đề xuất nhưng phải dựa trên nguyên tắc hoàn trả mặt nước tự nhiên vốn có.
. Hiện TP.HCM và nơi khác đang thực hiện chủ trương hoàn trả diện tích mặt nước sông, kênh rạch từng bị lấn chiếm. Vậy qua dự án lấn sông Đồng Nai, VRN có gửi thêm thông điệp gì không?
+ Trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên nước hiện nay, các quy định và chiến lược của quốc gia đều hướng tới một nền kinh tế xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững. Dự án lấn sông Đồng Nai lại đi ngược xu thế này. Vì thế, chúng tôi mong muốn dự án được hủy bỏ. Nếu tiếp tục dự án theo hướng lấn sông sẽ tạo tiền lệ xấu về việc lấn chiếm sông ngòi, đánh mất niềm tin của người dân.
. Xin cám ơn ông.
Bỏ qua yếu tố biến đổi khí hậuSau khi dư luận lên tiếng về dự án lấn sông, hội đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Viện MT&TN (đơn vị lập ĐTM dự án). Tại đây, nhiều hội viên bày tỏ lo ngại việc dự án chưa xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển sẽ dâng cao, mức độ xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn – Đồng Nai cùng với lưu lượng mưa, chế độ xả lũ, dòng chảy trên sông Đồng Nai cũng sẽ thay đổi… Thế nhưng ĐTM dự án lấn sông lại bỏ qua các yếu tố này. Đây là thiếu sót không nhỏ.
Ông LÊ HOÀNG VĂN, Hội Cấp thoát nước và Môi trường TP.HCM Phải hoàn trả mặt nước Dự án lấn sông Đồng Nai đã được các bộ, ngành liên quan xác định vi phạm Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều… Vì thế theo tôi, đầu tiên là hủy bỏ dự án, hoàn trả diện tích mặt nước vốn có. Còn chuyện làm công viên ven sông không phải cứ muốn là làm mà cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý hiện có. Nếu luật cho phép khi đó mới xét đến yếu tố về khoa học. TS ĐÀO TRỌNG TỨ, chuyên gia của VRN Khôi phục lại hiện trạng ban đầu Nếu dự án lấn sông Đồng Nai không đáp ứng đầy đủ cơ sở pháp lý thì phải hủy bỏ. Khi hủy dự án, tỉnh Đồng Nai sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Dự án vi phạm nhiều luật chuyên ngành (như Luật Đê điều nghiêm cấm hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ; Luật Phòng, chống thiên tai nghiêm cấm hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai, đặc biệt là việc chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy; Luật Tài nguyên nước… ) nên cần được xác định vi phạm nào là chính để xử lý theo quy định cụ thể liên quan. Dù áp dụng quy định nào, một khi dự án đã có vi phạm thì cũng phải có hình thức khắc phục hậu quả theo hướng khôi phục, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Một lãnh đạo thanh tra Bộ TN&MT |