Khắc phục tình trạng quy định chồng chéo
Đã từng có chuyên gia về luật ví von rằng, nhiều luật của chúng ta quy định chồng chéo như “rừng rậm”, rất khó cho người làm luật khi xây dựng một dự án luật chung. Nếu soi nhận xét này vào dự luật đang được QH xem xét ấn nút thông qua như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ thấy cái khó của người làm luật. Cũng là quản lý về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hiện chúng ta có nhiều luật chuyên ngành như Luật Biển, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học… chưa kể, dưới đó còn tồn tại những quy định chồng chéo, không thống nhất. Câu chuyện về các khu bảo tồn biển là một thí dụ.
Hiện nay nước ta đang có năm khu bảo tồn biển độc lập và bốn khu bảo tồn thiên nhiên thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hợp phần bảo tồn biển. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, bốn khu bảo tồn biển thuộc hệ thống bốn vườn quốc gia (Vườn Quốc gia Cát Bà – Hải Phòng, Vườn Quốc gia Núi Chúa – Ninh Thuận, Vườn Quốc gia Côn Đảo – Vũng Tàu, Vườn Quốc gia Bái Tử Long – Quảng Ninh) là được quản lý tốt. Còn lại năm khu bảo tồn biển độc lập do các địa phương quản lý thì gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đến từ chính sự chưa thống nhất trong quản lý các khu bảo tồn biển từ trung ương đến địa phương và sự khác biệt trong quản lý các khu bảo tồn tại từng địa phương nên “mạnh ai nấy làm”. Do thiếu nguồn kinh phí nên ban quản lý các khu bảo tồn biển chỉ hoạt động cầm chừng, cộng thêm lực lượng quản lý mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc khiến hiệu quả quản lý kém. Sự chồng chéo trong văn bản quy phạm pháp luật cũng khiến việc mở rộng các khu bảo tồn gặp vướng mắc.
Theo quy hoạch, đến hết 2020 cả nước sẽ có trên 20 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động. Do vậy, để quản lý tốt các khu bảo tồn biển, sự thống nhất trong các quy định và “phân vai” rõ ràng cho các cơ quan quản lý có liên quan là điều cần thiết.
Câu chuyện về các khu bảo tồn biển chỉ là một thí dụ nhỏ trong việc tồn tại sự chia cắt, cát cứ trong quản lý tài nguyên môi trường biển. Nhiều năm qua, tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể và cũng thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Do vậy, cử tri kỳ vọng có được một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp sau khi dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo được thông qua.
Kiến tạo chiến lược dài hạn
Điều các cử tri kỳ vọng nhất ở dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là luật hóa việc phải có một chiến lược khai thác, sử dụng bền vững những tài nguyên này. Muốn đưa ra được chiến lược, trước hết cần kết quả điều tra cơ bản với các kết quả đánh giá, thống kê về những nguồn tài nguyên của lĩnh vực này, hiện trạng ra sao đang được khai thác, bảo vệ thế nào? Với quy định như vậy, lần đầu tiên tài nguyên biển và hải đảo được lượng hóa và đánh giá một cách tổng quát như vậy.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, thực tế cần có đánh giá tác động môi trường tổng hợp đối với các dự án, công trình sử dụng biển, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, nhấn chìm, đổ thải ở biển… Đưa ra một chiến lược sử dụng, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển, trong đó kết nối được các lĩnh vực chuyên ngành lại với nhau vì mục đích chung là mục tiêu dự thảo luật hướng tới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái. Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng có diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức, do vậy cần nâng hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển qua đó góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực Biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp là điều cần thiết.
Biển đã ngàn đời ngự trị trong tâm thức của người Việt như một phần không thể thiếu. Một khi dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thông qua và có hiệu lực, vị thế quốc gia biển của Việt Nam sẽ được củng cố và nâng cao.
Mở ra biển, chung sống và khai thác bền vững là những điều mà thế hệ hôm nay có trách nhiệm kiến tạo để lớp lớp thế hệ sau có thể tự hào và khai thác tiềm năng từ biển.
Những điểm mới nổi bật của Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo:
■ Áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ■ Đưa ra công cụ pháp lý điều phối các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển ■ Đưa ra chiến lược, quy hoạch để quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo ■ Khắc phục xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo |