ThienNhien.Net – Có thời gian, chính quyền, người dân xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương tưởng thoát cảnh ô nhiễm của làng nghề giầy da, nhưng niềm vui “chẳng được tày gang”. Lò đốt rác xây cho xã gần 3 năm qua chỉ để “ngắm chơi”, bởi sự cố trục trặc ký thuật nên đã “rơi” vào quên lãng từ ngày đầu thử nghiệm.
Anh Vũ Đăng Lâm, thôn Phong Lâm đưa chúng tôi “mục sở thị” than phiền: Người dân trong xã ai cũng mừng khi lò đốt rác được khởi công xây dựng, mọi người mong chờ từng ngày như “nắng hạn đợi mưa” với niềm hy vọng rác thải độc hại từ làng nghề làm giầy sẽ không còn ảnh hưởng môi trường. Ai dè, lò đốt rác vận hành thử được mấy hôm, khói đen sì thải ra môi trường, người dân mang rác đến nhưng lò ngừng hoạt động nên cứ chất đống ùn lại. Không đốt được trong lò, họ đốt luôn những đống rác đổ ven đường khói mù trời của các loại rác độc hại: cao su, da, nhựa… thành thử ô nhiễm hơn khi chưa xây lò đốt rác. Bao nhiêu tiền của Nhà nước đã gần 3 năm thành đống sắt vụn khổng lồ phơi nắng, mưa thật lãng phí. Người dân chờ mỏi mòn nhưng chẳng thấy đả động gì, mọi người không còn để ý trên đất thôn mình có lò đốt rác được đầu tư và xây dựng hiện đại. Lò xây tốn diện tích đất, lại làm cho người dân sống xung quang thêm ô nhiễm, chướng mắt…
Từ khi, lò đốt rác thải hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm năm 2012, xã chưa ký nhận bàn giao, nhiều lần kiến nghị nhà thầu: Cục Chế biến nông – lâm – thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính quyền huyện, tỉnh nhưng đều đi vào “bế tắc”. Lò đốt rác nay không được bàn đến – Ông Nguyễn Đức Chải, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu, chia sẻ với tâm trạng không vui.
Xã Hoàng Diệu hiện có 4/9 làng nghề làm giầy da truyền thống, nghề làm cho thu nhập ổn định nên ngày càng phát triển. Nhưng vấn đề lãnh đạo xã, người dân lo lắng là rác thải làng nghề dù đã được quy hoạch 2 bãi rác tập trung, nhưng việc xử lý rác thải thì chưa có giải pháp. Chính vì việc chưa có giải pháp xử lý nên các đống rác thường xuyên bị người thu mua đồng nát đốt trộm, để tận thu kim loại lẫn bên trong. Đã 3 năm, xã Hoàng Diệu đã kiến nghị nhiều lần với nhà thầu Cục chế biến nông – lâm – thủy sản và nghề muối và sau này được biết công trình chuyển giao cho Viện Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhưng không được khắc phục, dù công trình xã chưa ký nhận bàn giao do lỗi kỹ thuật, hệ thống nước thải không đảm bảo.
Tháng 7/2012, đoàn công tác của tỉnh do ông Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh sau khi kiểm tra việc thực hiện Dự án đã có kết luận chỉ đạo: Dự án “Xây dựng mô hình xử lý chất thải làng nghề sản xuất giầy, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng với mục tiêu xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, chủ đầu tư và địa phương hưởng lợi chưa thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và cam kết: Trục trặc về kỹ thuật vận hành; hệ thống xử lý nước thải chưa bảo đảm; cán bộ vận hành chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được mô hình quản lý, vận hành, khai thác… Đoàn công tác yêu cầu, UBND huyện Gia Lộc cùng chủ đầu tư nhanh chóng rà soát các trình tự, thủ tục đầu tư để hoàn thiện theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Gia Lộc có trách nhiệm hướng dẫn, giúp UBND xã Hoàng Diệu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để đưa công trình vào sử dụng… UBND tỉnh cũng yêu cầu xã Hoàng Diệu cần đưa vấn đề ra thảo luận rộng rãi trong Đảng ủy, UBND xã để thống nhất về cơ chế quản lý, khai thác vận hành dự án.
Sau một thời gian làm việc của tỉnh, chủ đầu tư về làm việc với lới hứa sẽ khắc phục, đưa công nhân về vận hành và chuyển giao cho xã nhưng chỉ một lần về với lời hứa “suông” và lặn luôn gần 3 năm. Hiện nay, lãnh đạo của nhà thầu người đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên xã không còn biết liên hệ với ai. Huyện, xã đã có nhiều cuộc họp bàn bạc đưa ra các giải pháp nhưng không thể khắc phục sự cố, tìm người có năng lực chuyên môn để vận hành lò. Một số công ty tư nhân về môi trường của thành phố Hải Dương, đã đặt vấn đề nhận công trình, đưa công nhân về vận hành và quy định thu phí với các hộ gia đình nhưng rồi cũng như nhà thầu, xã “mỏi mòn” trông chờ nhưng họ không quay lại.
Chính quyền, người dân nơi đây đặt câu hỏi, bao giờ sự cố, bất cập lò đốt rác xây dựng tốn kém bạc tỷ được khắc phục, hay vẫn cứ để “chơi” như những năm qua?