ThienNhien.Net – Khoáng sản là hữu hạn, hầu hết là tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm có hiệu quả. Đến nay, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập và trình phê duyệt 14 Quy hoạch cho 40 loại khoáng sản. Tuy nhiên, ngay từ quy hoạch đến quản lý khai thác khoáng sản đang bộc lộ nhiều vấn đề.
Một mỏ khoáng sản 2 Bộ cùng lập quy hoạch
Theo TS. Lại Hồng Thanh (Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam), hầu hết các quy hoạch (trừ quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng) chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ đưa vào quy hoạch nhưng lại không có tọa độ, diện tích cụ thể gây nên khó khăn khi xem xét, cấp phép.
Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng như đá hoa trắng, đá vôi, điatomit… Tuy nhiên, cùng một mỏ khoáng sản lại bị điều chỉnh bởi 2 quy hoạch do 2 Bộ chủ trì lập, được được phê duyệt ở 2 thời điểm khác nhau. Do đó, chưa có sự đồng bộ về nội dung, một số quy hoạch chưa thống nhất về tiến độ thực hiện dự án giữa giai đoạn thăm dò và khai thác…
Hơn nữa, một số quy hoạch có tính ổn định thấp, còn lệ thuộc vào nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, địa phương nên chưa mang tính lâu dài; thường xuyên bổ sung các mỏ, khu vực mỏ vào quy hoạch nhưng chưa theo nguyên tắc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Khoáng sản.
Giấy phép cấp nhiều, kiểm tra ít
Thống kê về tình hình cấp giấy phép hoạt động khoáng sản sau khi thực thi Luật khoáng sản năm 2010, Bộ TN&MT đã cấp mới lần lượt 56, 89, 75 giấy phép trong các năm 2012, 2013 và 2014. Riêng 4 tháng đầu năm 2015, có 15 giấy phép được cấp mới trong đó có 8 giấy phép thăm dò khoáng sản, còn lại là giấy phép khai thác khoáng sản.
Số giấy phép do UBND các tỉnh cấp hàng năm lớn hơn gấp nhiều lần. Cụ thể, năm 2012 là 598 giấy phép trong đó có tới 376 giấy phép khai thác khoáng sản. Năm 2013 là 477 giấy phép khai thác khoáng sản trong tổng số 790 giấy phép được cấp mới. Tương tự, năm 2014, 408 giấy phép khai thác khoáng sản trong tổng số 853 giấy phép được cấp mới.
Nhưng thực tế, lực lượng và kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra của Trung ương cũng như địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Trung bình hai năm mới thanh tra, kiểm tra định kì một khu vực hoạt động khoáng sản. Các phương tiện, thiết bị chuyên dụng cũng chưa đáp ứng được trong thực tế, dẫn đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn khá phổ biến tại nhiều địa phương.
“Việc thực hiện báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc. Trung bình chỉ 30-40% trong tổng số tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện gửi báo cáo định kỳ. Nhưng chế tài xử phạt thấp, chưa có tính răn đe. Thông tin trong báo cáo định kỳ này cũng chưa đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến những bất cập trong quản trị tài nguyên khoáng sản” – TS. Lại Hồng Thanh cho biết.
Mở “tài khoản” để quản lý khoáng sản
Đề xuất mở tài khoản đối với “tài sản công” là khoáng sản, TS. Thanh cho rằng cách làm này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn, làm cơ sở hạch toán chung vào nền kinh tế.
Chuyên gia độc lập, ThS. Hoàng Cao Phương cho rằng việc cần làm trước mắt là các bộ, ngành địa phương khẩn trương rà soát để điều chỉnh nội dung quy hoạch khoáng sản: “Việc cấp phép khai thác phải gắn với chế biến khoáng sản và định hướng sử dụng để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng. Riêng khoáng sản vàng, nên xây dựng quy chế đấu giá ngay từ khi phát hiện để chủ đầu tư thực hiện thăm dò, khai thác gắn với bảo vệ mỏ, tránh khai thác trái phép”.
Ở một góc độ khác, TS. Lê Ái Thụ nhìn nhận muốn quản trị tốt tài nguyên khoáng sản, trước hết cần phải biết Việt Nam có bao nhiêu tài nguyên (trữ lượng) khoáng sản có thể khai thác có hiệu quả kinh tế. “Chỉ khi giải được bài toán này thì công tác quản trị tài nguyên khoáng sản mới đạt được hiệu quả như mong muốn” – ông Thụ nhấn mạnh.