ThienNhien.Net – Việc chặt phá rừng tại xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm thì gần đây, một số người dân lại tiếp tục chặt phá rừng thông ở khu vực gần lòng hồ thủy lợi Phú Ninh.
Ngoài trồng lúa, xã Tam Xuân 2 còn là nơi có nhiều khu rừng phòng hộ trù phú nằm cận khu vực lòng hồ thủy lợi Phú Ninh. Thế nhưng, càng vào sâu trong rừng càng xót xa. Tại tiểu khu 592, thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh (thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2), các đối tượng khai thác rừng trái phép đã đưa phương tiện vào chặt phá rừng thông. Một số người dân địa phương cho biết, sở dĩ nhiều gốc cây bị cháy sém, hoặc “chết đứng” là do một số đối tượng cố tình lấy mủ sai quy cách khiến cây nhanh chết để dễ dàng “khai thác”. Phần lớn gỗ sau khi khai thác được vận chuyển qua lòng hồ Phú Ninh hoặc đem về cất giấu dưới cầu Máng Phú Ninh (thuộc thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2) rồi chuyển đi tiêu thụ.
Khi được hỏi về rừng thông bị chặt phá, ông Ðinh Duy Toản, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp (XNLN) Quảng Nam (một trong những đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý rừng thông) cho biết: Ðơn vị được cấp trên giao quản lý 200 ha rừng thông dầu tại xã Tam Xuân 2, nhưng thời gian qua, nạn chặt phá rừng thông rộ lên tại thôn Thạch Kiều khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Hiện nhiều diện tích rừng bị đốt, có những cây thông trồng hơn 20 năm bị chết khô hoặc bị cưa ngã ngổn ngang. Ðáng nói, nhiều cây thông lớn nằm sát bên đường giao thông, hằng ngày có người qua lại cũng bị lâm tặc chặt phá. Mới đây, rạng sáng 15-4, khi tổ công tác liên ngành kiểm tra, phát hiện các đối tượng đang vận chuyển 2,4 m3 gỗ trái phép thì bị nhóm người này tấn công làm một kiểm lâm viên bị thương. Theo số liệu từ XNLN Quảng Nam cung cấp, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 10 vụ chặt phá rừng thông nhựa (do đơn vị quản lý) gây thiệt hại 80 cây thông, với khối lượng hơn 20 m3.
Ông Bùi Văn Sâm, Ðội trưởng Ðội quản lý bảo vệ rừng (XNLN Quảng Nam) cho biết, tình trạng người dân, lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng thông ở xã Tam Xuân 2 xảy ra từ giữa năm 2013 đến nay. Nhiều cánh rừng thông đã bị chặt phá, lấy gỗ bán và chiếm đất để trồng keo. Ước tính, đã có khoảng 150 ha đất rừng do xí nghiệp quản lý bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng cơ quan chức năng địa phương chỉ xử lý được ba vụ, với hơn 3 m3 gỗ và xử phạt hành chính hai đối tượng. Theo ông Mai Ðình Thanh, Trưởng Công an xã Tam Xuân 2, đối tượng khai thác trái phép rừng thông rất tinh vi, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Có khi tuần tra, truy quét ban đêm, lực lượng công an bị lâm tặc dùng đá ném trả quyết liệt. Ngoài các đối tượng khai thác rừng trái phép, tình trạng tranh chấp đất rừng giữa XNLN Quảng Nam với người dân địa phương diễn ra phức tạp hơn ba năm nay. Nhiều diện tích đất rừng do Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý bị người dân ngang nhiên xâm lấn trồng cây trái phép. Trong năm 2014, khi các ngành chức năng của huyện Núi Thành và xã Tam Xuân 2 cưỡng chế số cây trồng trái phép trên diện tích 17 ha đã bị các đối tượng ngăn cản, chống đối. Một số người dùng gậy gộc, dao rựa uy hiếp, dùng đá ném vào đoàn công tác, đến khi Công an huyện Núi Thành vào cuộc thì các đối tượng gây rối mới giải tán. Cũng vì tranh chấp đất rừng, vào tháng 10-2013, tại thôn Thạch Kiều đã xảy ra xô xát, khiến một người chết và năm người bị thương.
Trước tình hình khai thác gỗ trái phép ở khu vực lòng hồ Phú Ninh, đầu năm 2014, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ ký kết hợp tác quản lý, bảo vệ rừng giữa chín cơ quan, đơn vị hoạt động trong lưu vực lòng hồ Phú Ninh. Nhưng đã hơn một năm qua, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương vẫn chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra xử lý chưa đồng bộ và thiếu kiên quyết, cho nên rừng tiếp tục bị xâm hại.
Ðã đến lúc, các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam và huyện Núi Thành khẩn trương vào cuộc, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng chặt phá rừng trái phép. Mặt khác, cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất, nhất là đất lâm nghiệp do các doanh nghiệp quản lý tại khu vực; trên cơ sở đó quy hoạch, cân đối diện tích đất rừng và mạnh dạn giao bớt cho người dân quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Việc làm này không chỉ giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, tăng thu nhập mà còn góp phần làm cho công tác trồng, quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.