ThienNhien.Net – Thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân nhiều nước.
Tình trạng hạn hán và nắng nóng bất thường dường như đang biến mùa hè năm nay trở nên vô cùng khắc nghiệt đối với các nước như Ấn Độ, Israel và Ai Cập. Hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng nắng nóng ở Ấn Độ là các bang Andhra Pradesh và Telangana. Cho tới nay, tổng số người tử vong do nắng nóng tại Ấn Độ đã lên tới hơn 1.240 người.
Cơ quan Khí tượng thủy văn Ấn Độ thông báo, nhiệt độ có nơi đã lên tới gần 50 độ C và phải đến cuối tuần này mới có xu hướng giảm. Ngoài hai bang kể trên, nhiệt độ tối đa tại các khu vực khác như Delhi, Maharashtra, Rajasthan, Uttar Pradesh, Punjab và Tây Bengal… đều trên 45 độ C trong mấy ngày nay.
Thông qua các phương tiện truyền thông, giới chức trách Ấn Độ khuyến cáo người dân không nên ra ngoài trời vào lúc trời nắng nóng nhất để đảm bảo sức khỏe.
Các bệnh viện được đặt trong tình trạng báo động để điều trị nạn nhân tại các bang nắng nóng nhất. Tuy nhiên tình trạng mất điện thường xuyên tại các bệnh viện trong thời điểm nắng nóng cao điểm cũng khiến nhiều người bệnh thêm phần mệt mỏi hơn.
Một bệnh nhân tại một bệnh viện ở Đông Godavari than phiền: “Không có điện kể từ 10h sáng 28/5 và hiện chúng tôi vẫn không nhận được sự trợ giúp nào cả. Hai bệnh nhân vẫn phải cùng nằm chung một giường”.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 27/5 đã tăng cường hỗ trợ 2 bang là Andhra Pradesh và Telangana đang bị nắng nóng hoành hành dữ dội nhất, đồng thời lên kế hoạch hướng dẫn tất cả các bang đối phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt này. Dự báo nắng nóng như thiêu đốt có thể tiếp tục thêm 2 ngày nữa tại Telangana và thêm 3 ngày tại Andhra Pradesh.
Không chỉ Ấn Độ là “nạn nhân” duy nhất của tình trạng nắng nóng bất thường, Cơ quan khí tượng Israel cũng vừa thông báo nước này cũng đang hứng chịu thời tiết cực đoan với nhiệt độ tăng cao lên tới 45 độ C.
Nhiệt độ tại Jerusalem trung bình ở mức 38 độ C, Tel Aviv lên tới 47 độ C trong khi nhiệt độ tại Eilat, miền Nam Israel cũng chạm mức 45 độ C. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1970 Israel ghi nhận hai đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 5 này.
Tại Tel Aviv, người dân địa phương cùng các khách du lịch đổ xô tới các bãi biển để “giảm nhiệt”. Anh Jake Heller, một du khách tới từ New York cho biết: “Trời nóng quá, tôi đổ mồ hôi liên tục. Bạn biết đấy, tôi rất béo nên càng ra nhiều mồ hôi. Chúng tôi vừa chơi bóng chuyền, và kem chống nắng chảy dòng trên mặt, thật khủng khiếp”.
Trong khi đó, thủ đô Cairo và các tỉnh khác của Ai Cập cũng vừa trải qua thời tiết nắng nóng chưa từng thấy với nhiệt độ cao nhất lên tới 45 độ C. Nhiều người dân đã buộc phải ở nhà hoặc nơi kín để tránh thời tiết bất thường cùng với gió bụi.
Một số người dân thậm chí đã chọn nghỉ việc ở nhà khiến tỷ lệ vắng mặt ở công sở và trường học tăng, trong khi doanh số bán điều hoà, quạt và đồ uống lạnh tăng mạnh.
Giới khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến ngày càng phức tạp theo hướng nghiêm trọng hơn. Trong khi các nước Nam Âu đang đứng trước nguy cơ hạn hán nghiêm trọng, các nước Tây Âu bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng, cùng với đó là những mùa đông băng giá khắc nghiệt, thì hàng trăm triệu người ở Nam Á, châu Phi cũng đang phải oằn mình đối phó với lũ lụt nghiêm trọng .
Hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan còn kéo theo tình trạng di cư cao, nghèo đói, và ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh đe dọa tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, việc ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đang là thách thức không nhỏ không chỉ riêng với quốc gia nào.
Cộng đồng quốc tế cần chung tay hợp tác nhằm hạn chế những tác động khôn lường của các hiện tượng thời tiết cực đoan đến đời sống của chúng ta.