ThienNhien.Net – Khi hơi sương còn đọng trên những chiếc lá, các chiến sĩ gác rừng ở U Minh Hạ đã vào rừng tuần tra. Lội qua những lớp thảm thực vật dày ngập ngụa; băng qua đám dây choai chằng chịt nơi chân rừng. Khi mặt trời khuất bóng rừng già, các anh trở về bên ánh đèn dầu hiu hắt, bữa ăn thiếu thốn, muỗi vo ve như sáo thổi. Họ sống với hơi thở của rừng.
Gồng mình canh lửa
Mới 8h sáng, nắng đã chói chang tỏa hơi nóng xuống nơi “sơn cùng thủy tận” U Minh Hạ. Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn Liêm, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm vườn quốc gia U Minh Hạ cùng một số anh em kiểm lâm đi tuần tra trong ruột rừng. Qua cổng chính dẫn vào Vườn quốc gia U Minh Hạ, những đám rừng khô cằn hiện ra; phía dưới đất những đám cỏ đã chuyển màu khô, trên những thân cây tràm dây dớn quấn quanh đã úa vàng, thảm thực vật dưới rừng khô rong, mực nước các kênh trục đều rút xuống sắp tới mức cạn kiệt.
Trời đang nắng, bỗng một cơn mưa bất chợt ập đến, những hạt mưa chỉ tựa như sương, như khói rải đều trên cây lá U Minh Hạ không làm giảm nhiệt. 20 phút sau, mưa ngừng rơi, mặt trời ló sáng, nắng gay gắt, không một tí gió, hơi nước từ lòng đất bốc lên nghi ngút.
Thời điểm này, rừng quốc gia U Minh Hạ đang báo cháy cấp V – cấp cực kì nguy hiểm. Nếu lơ là mất cảnh giác, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng gây lây lan rất nhanh và khó dập tắt. Để ngăn cản những người lén lút vào rừng săn bắt các loài động vật hoang dã, khai thác thủy sản và đặc biệt là đốt ong rừng lấy mật, công việc canh giữ rừng cực nhọc gấp nhiều lần, đặc biệt ở những khu vực “nhạy cảm” giáp với các tuyến dân cư, vùng đệm của rừng quốc gia. Ngày đêm các chiến sĩ phải thường xuyên luồn sâu trong rừng canh gác.
Luồn qua những bụi cây nơi bìa rừng, người đi trước cầm dao phạt cây bụi, người đi sau cầm thiết bị quan sát, cứ vậy vượt qua những đám dây choại chằng chịt và thảm thực vật mùn rữa dưới chân để tuần tra. Dẫn chúng tôi theo con đường mòn nằm sâu trong ruột rừng, anh Tạ Hoàng Việt – Tổ phó Tổ kiểm lâm cơ động nói rằng, thời điểm dễ cháy nhất là từ 10 giờ sáng tới 16 giờ chiều, chỉ cần ai đó bất cẩn vứt tàn thuốc lá xuống là có thể gây cháy rừng lớn.
Để có thể giữ rừng bình yên 24/24h, anh em trong tổ cơ động phân công nhau luồn rừng vào sáng sớm và canh trực trên chòi canh lửa ngày đêm, để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố. “Mấy hôm nay, tình hình khá căng thẳng, mỗi ngày đi kiểm tra luồn rừng, anh em cảm nhận thấy độ khô hơn của rừng, ai ai cũng lo lắng. Tuy nhiên, anh em chúng tôi quyết tâm giữ bình yên màu xanh cho rừng trong mùa khô khắc nghiệt này”, anh Việt vừa nói vừa lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt.
Hơn 6 giờ đồng hồ đi tuần rừng, lội qua những lớp thảm thực vật lá cây, bùn sình dày ngập ngụa và băng qua đám dây choai chằng chịt, chúng tôi dừng lại bên chốt 600 nghỉ ngơi, ai ai cũng mồ hôi đầm đìa trên áo. Anh Nguyễn Văn Liêm nở nụ cười tươi rói: “Nửa ngày bình yên nữa lại đến, còn đêm nay nữa là trọn một ngày rừng yên bình”.
Trong câu nói của anh, nhìn nụ cười, ánh mắt của anh, chúng tôi nhận ra một điều giản dị, dẫu gian khó nhưng chỉ cần rừng bình yên là những con người canh giữ rừng như anh cảm thấy hạnh phúc.
Sống với hơi thở của rừng
Chốt 600 nằm lọt thỏm ở giữa rừng nên không có điện, không có nước ngọt, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn. Xung quanh đất, nước nhiễm phèn nặng, anh em tranh thủ trồng thêm nắm rau để cải thiện bữa ăn cũng không trồng nổi. Bữa cơm của các anh chỉ có cơm không, nhiều lúc khó nuốt các anh đun nước sôi để chan cơm. Nếu có đợt được viện trợ từ gia đình, từ các nhà hảo tâm thì có được gói mì tôm, nắm rau muống.
Không chỉ thiếu thốn cái ăn, nước sinh hoạt chính là điều mà các anh cần khi ở đây. Chỉ tay vào những can nước để dưới gầm chốt, anh Trần Huỳnh – chiến sĩ chốt 600 nói: “Để có được can 30 lít nước sạch chúng tôi phải vượt hơn 10km để chở về. Nước chỉ để nấu cơm, anh em miễn cưỡng lắm mới dùng để tắm. Không chỉ vậy, ở đây không có điện. Để có điện thắp sáng thì phải sạc bình ắc quy, nhưng cũng chỉ dùng tiết kiệm vào những công việc cần thiết nhất”.
Thiếu thốn đủ đường như vậy, nhưng đối với các anh những thứ đó không ăn nhằm gì. Điều quan trọng nhất là nỗi nhớ vợ con. Bởi lẽ, có người cả tháng trời mới về thăm gia đình một lần. “Đôi khi về bị bà xã cằn nhằn, nhưng khi nghe mình tâm sự, giải thích vì rừng là sinh mệnh, vì lợi ích chung nên bà nhà hiểu. Nhiều lần về vợ chồng chưa kịp thủ thỉ tâm sự được gì thì đã vội vàng khăn gói, cơm nắm vào rừng làm nhiệm vụ vì có báo động gấp”, anh Tạ Hoàng Việt cho hay.
Mặt trời đã khuất bóng rừng già. Đêm xuống, tới ca trực của anh Giang Văn Mẻ. Hỏi ra mới biết anh Mẻ đã 54 tuổi, 24 năm là nhân viên hợp đồng của chốt 600, nhà ở bìa rừng cách đó không xa. Anh Mẻ cho biết, anh là 1 trong 37 hộ dân đang sống trong vùng đệm tham gia canh giữ rừng ở U Minh Hạ. Công việc của anh không có lương. Tuy nhiên, xác định rừng là tài sản quý, cháy rừng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, xác định công việc anh đang làm có trách nhiệm vô cùng to lớn đối với cộng đồng xã hội, nên 24 năm qua anh “bỏ vợ con” vào rừng căng mắt giữ rừng cùng anh em không một chút đắn đo.
Đêm giữa rừng tĩnh mịch, vạn vật như ngủ yên, nhưng anh Mẻ vẫn đứng trên đài quan sát. Bốn bề là rừng tràm, ở đâu đó, những đài quan sát khác có ánh đèn pin le lói, phía đó cũng có những người đang thức với rừng, căng mình, phóng mắt theo từng vạt rừng như anh Mẻ.
Phía dưới, anh Việt cùng các anh em đang ngủ, nhưng tay vẫn nắm chặt chiếc máy bộ đàm. Dường như người lính gác rừng già này có thể đứng bật dậy bất cứ lúc nào khi có thông tin bất lợi về cánh rừng mà anh và đồng đội đang ngày đêm canh giữ.
Có lẽ với những người như anh Nguyễn Văn Liêm, Tạ Hoàng Việt hay người nhân viên hợp đồng Giang Văn Mẻ, hay bất cứ ai làm nhiệm vụ ở rừng già U Minh Hạ, giữ màu xanh của rừng không còn đơn thuần là nhiệm vụ mà đó là một phần không thể thiếu của bản thân các anh. Nó đã khắc sâu vào tâm can, trở thành một phần của máu thịt, để rồi mỗi một thời khắc rừng bình yên là những niềm vui hé nở trên môi những người thầm lặng giữ bình yên cho rừng già U Minh Hạ.
Ông Lê Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Tới thời điểm này, hơn 38.000ha rừng tràm nhiều năm tuổi của tỉnh Cà Mau đang ở cấp độ báo động cực kỳ nguy hiểm. Hàng ngày, các lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng ứng trực 24/24h trên các chòi canh lửa quan sát rừng để báo động kịp thời khi phát hiện cháy.Dự báo mùa khô ở U Minh Hạ có thể kéo dài đến đầu tháng 6. Để phòng chống cháy rừng U Minh Hạ vào giai đoạn đỉnh điểm này, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Lê Thanh Phong cho biết: Toàn bộ 8.527,8ha rừng U Minh Hạ đã khô hạn hoàn toàn, hiện nay có 19 chòi canh lửa; 24 trạm đang chốt (mỗi chốt 3-4 người); 13 tổ máy bơm nước ở các khu vực có nguy cơ cháy cao; 28 máy thông tin liên lạc.Bên cạnh đó, phối hợp với 7 điểm dân cư (516 người) ký cam kết quản lý phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi cần thiết có thể huy động 1.116 lực lượng tham gia. |