ThienNhien.Net – Theo tính toán sơ bộ, một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.200 MW, hằng ngày thải ra khoảng 4.000 tấn xỉ tro bay, trong đó 85% là tro bay.
Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện đốt than Việt Nam là 36.000 MW, năm 2030 là 72.000 MW, tương đương tiêu thụ hơn 100 triệu tấn than, thải ra môi trường 30 triệu tấn tro xỉ mỗi năm. Đây đều là những nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xi-măng và vật liệu xây không nung (VLXKN). Tại Việt Nam, các loại vật liệu xây dựng cơ bản như: xi-măng, gốm, sứ, kính… được sản xuất và tiêu thụ mạnh, nhưng tỷ lệ sử dụng VLXKN rất thấp, thậm chí còn đứng sau một số nước trong khu vực như: Lào, Thái-lan và Ma-lai-xi-a.
Mặc dù, nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng dồi dào, nhưng đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, nên sớm muộn cũng cạn kiệt, trong khi việc tận dụng nguồn phế thải, nhất là tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện chạy than chưa được coi trọng đúng mức. Thực tế, các nhà máy nhiệt điện chạy than đều thiết kế xây dựng bãi chứa thải xỉ cho vài năm sử dụng. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để nguồn phát thải này hầu hết chưa đạt yêu cầu. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện đều thiết kế khu vực để chôn lấp là chủ yếu, chưa có kế hoạch tận dụng nguồn tro xỉ. Câu chuyện Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là một thí dụ, việc vận chuyển xỉ than ra bãi thải và khâu xử lý môi trường kém, gây khói bụi nghiêm trọng khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay chỉ có các nhà máy nhiệt điện gần khu vực có nhà máy xi-măng hoặc nhà máy gạch không nung mới có thể tiêu thụ được những phế thải này. Chẳng hạn, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có khoảng bốn đơn vị thường xuyên mua tro xỉ về xử lý, nhưng cũng không thường xuyên do giá thành bán phế thải còn cao và một phần vẫn phải đem chôn lấp, rất lãng phí.
Hiện nay, Chính phủ đã và đang khuyến khích đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ VLXKN. Do vậy, việc tận dụng được nguồn phế thải từ các nhà máy nhiệt điện chạy than cần được quan tâm hơn nữa. Xét về khía cạnh quy hoạch, các nhà máy nhiệt điện nên đặt gần các nhà máy xi-măng hoặc ngược lại để tận dụng được các sản phẩm của nhau. Ngành xi-măng là một trong những ngành sử dụng điện năng lớn và cũng là nhà tiêu thụ phế thải tro bay của các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Sắp tới đây, hàng loạt trung tâm nhiệt điện sẽ được xây dựng trên cả nước đồng nghĩa với nguồn xỉ thải tăng mạnh. Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp, các nguồn phế thải này sẽ được tận dụng thông qua các nhà máy sản xuất VLXKN. Điều này vừa giúp cụ thể hóa chương trình phát triển VLXKN, tiết kiệm tài nguyên, đồng thời từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung của người dân, bảo đảm môi trường phát triển bền vững.