ThienNhien.Net – Mặc dù công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai khá tốt, nhưng trong năm 2014 vẫn để xảy ra các sự cố như vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krel 2, sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải khai thác quặng, gây thiệt hại đến hoa màu và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân…
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2015.
Số người chết và mất tích đã giảm nhiều
Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, thiên tai ở nước ta có diễn biến rất bất thường, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều và liên tiếp.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương, năm 2014, số người chết và mất tích đã giảm nhiều so với năm 2013, tuy nhiên đã làm 133 người chết và mất tích (trong khi đó, năm 2013 là 285 người), có 1.985 nhà bị sập, đổ, trôi; 42.758 nhà bị ngập, hư hại; 230.086 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại.
Riêng về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2014, cả nước đã huy động trên 153.000 lượt người, 5.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 475 vụ sự cố trên biển, 556 vụ cháy, 26 vụ sự cố hầm lò, sập đổ công trình, sự cố hóa chất. Đồng thời, đã cứu được 3.879 người, 248 phương tiện các loại, tổ chức sơ tán 21.000 hộ dân ra khỏi các vùng nguy hiểm khi có thiên tai.
Mặc dù trong năm 2014, công tác khắc phục thiên tai đã được triển khai tốt, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, hiện vẫn còn những tồn tại, thiếu sót.
Dẫn chứng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2014 đã để xảy ra các sự cố như vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krel 2, sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải khai thác quặng, gây thiệt hại đến hoa màu và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khu vực bị sự cố. Ngoài ra, một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Công tác báo cáo của một số đơn vị chưa kịp thời, chưa đầy đủ và công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về PCTT & TKCN chưa được thường xuyên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Xuân Bảo – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2014, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương đã được thể hiện thường xuyên.
Điển hình như, công tác chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư, thiết bị đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá sau thiên tai; Chỉ đạo các đơn vị tổ chức lập, phê duyệt và diễn tập phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập thủy điện; rà soát, điều chỉnh quy trình hồ chứa thủy điện theo quy trình liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Chủ động xây dựng các tình huống nhằm giảm thiểu rủi ro
Cũng tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng Giám đốc – Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong năm 2014, cả nước (đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Bắc) gặp nhiều thiên tai, nên Tập đoàn gặp thiệt hại rất lớn (55 tỷ). Tuy nhiên, theo chỉ đạo từ Lãnh đạo Tập đoàn, 34/34 các đơn vị trực thuộc đều có Ban chỉ huy Phòng chống cứu nạn. Bên cạnh đó, công tác diễn tập diễn ra thường xuyên, chia thành các đợt, tại các khu vực khác nhau. Tập đoàn cũng ban hành rất nhiều văn bản, kiện toàn hệ thống kỹ thuật, thông tin để kịp thời thông báo, báo cáo tình hình thiên tai cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn.
Trước tình trạng để giảm thiểu những rủi ro do thiên tai gây ra, ông Lê Hồng Thái, Trưởng ban An toàn sức khỏe – Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất đã đề xuất, phương châm trong mọi trường hợp phòng chống thiên tai là “tại chỗ và không bị động”. Ngoài ra, để lường trước các tình huống sự cố xảy ra, cần xây dựng tất cả các kịch bản ngay từ đầu, như vậy sẽ chủ động trong rất nhiều tình huống cứu nạn.
Trong khi đó, chỉ đạo về công tác PCTT & TKCN, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, các đơn vị, đặc biệt các Tập đoàn, Tổng công ty dựa vào đặc thù riêng của đơn vị xây dựng hệ thống chỉ đạo, chỉ huy hiệu quả, xây dựng tốt phương án ứng phó với thiên tai, triển khai các nhiệm vụ đã đề ra. Cùng với đó, cần cung cấp hệ thống đầu mối liên lạc, để trong mọi trường hợp khẩn cấp có thể liên lạc trực tiếp một cách hiệu quả nhất. Tổ chức tập huấn, diễn tập thường xuyên, chủ động xây dựng các tình huống nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro, tổn thất.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giao cho Văn phòng thường trực PCTT & TKCN nghiên cứu xây dựng sổ tay các tình huống thiên tai để lập phương án, giải pháp thực hiện hiệu quả trong quá trình triển khai, các đơn vị cần có sự phối hợp với các địa phương, các sở công thương một cách chặt chẽ.