ThienNhien.Net – Tại sao rác thải công nghiệp gây ô nhiễm được đốt ngang nhiên, trong khi các loại rác thải sinh hoạt thì đổ xuống một chiếc ao chứa bốc mùi nồng nặc lại không được xử lý?
Xây để xử lý rác thải sinh hoạt nhưng lại đốt rác… công nghiệp
Như thông tin báo Người Đưa Tin đã đăng tải trước đó về tình trạng gây ô nhiễm khói bụi trầm từ lò xử lý rác thải nằm trên địa bàn xã Cao An ảnh hưởng đến các hộ dân ở các thôn An Điềm (Cẩm Định), Đức Trạch (Cẩm Định và Phú An (Cao An) đều thuộc huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại đây, ban đầu lò xử lý rác thải này được xây dựng nên nhằm tiêu hủy lượng rác sinh hoạt của các hộ dân ở quanh xã Cao An. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay lò xử lý rác thải này chỉ chủ yếu đốt các loại rác thải công nghiệp trong khi đó rác thải sinh hoạt được chất đống ở ngay ngoài cổng khu tập kết rác mà không được xử lý.
Bức xúc về vấn đề này, chị Lê Thị Xuân cho biết: “Họ toàn đốt rác thải công nghiệp từ các nhà máy quanh vùng chở về. Những phế liệu này toàn là chất thải rắn như vải, cao su,… được chở trên các ô tô tải hạng nặng. Cứ đều đặn một tuần 3 ngày xe chở phế liệu lại tập kết rác ở đây, mỗi ngày 5 đến 6 chuyến.
Thay vì họ cam kết xử lý chất thải sinh hoạt như ban đầu, họ chủ yếu đốt các loại rác thải công nghiệp nên mới xuất hiện cột khói đen bao trùm khu dân cư mỗi khi loại rác thải này được đốt.
Trong khi, rác thải sinh hoạt từ các hộ dân được vận chuyển bằng xe cải tiến được tập kết bên trong khu lò đốt một thời gian rồi họ lặng lẽ dùng máy xúc đổ ra ngay ngoài cổng bãi tập kết mặc cho nó bốc mùi khó chịu.
Tại sao rác thải công nghiệp gây ô nhiễm được đốt ngang nhiên, trong khi các loại rác thải sinh hoạt thì đổ xuống một chiếc ao chứa bốc mùi nồng nặc lại không được xử lý?
Ngày nào cũng vậy, lò này hoạt động từ sáng cho đến chiều khiến người dân chúng tôi cảm thấy ngột ngạt chẳng dám ở lại trong nhà lâu mà phải di tản đi nơi khác chờ cho đến lúc họ nghỉ đốt”, chị Xuân cho hay.
Không biết làm gì thì đốt rác công nghiệp để… thử nghiệm?
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương), ông Thành cho hay: “Lò xử lý rác thải sinh hoạt này công trình thí điểm thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Bắc làm đơn vị đảm nhiệm việc lắp đặt và chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, sau khi triển lắp đặt xong hệ thống lò xử lý rác thải sinh hoạt này, phía công ty chỉ bàn giao công nghệ có một buổi sáng rồi sau đó mặc nhiên cho địa phương tiếp quản sử dụng mà chưa có hình thức bàn giao”.
Theo ông Thành: “Chính điều này tạo nên sự lúng túng trong việc vận hành lò xử lý rác thải do người dân chưa nắm bắt được công nghệ. Hơn nữa, việc phân loại rác trong nhân dân chưa được triển khai một cách có hiệu quả nên nhiều loại rác thải sinh hoạt không thể đốt được làm giảm hiệu suất của lò đốt.
Khi được hỏi có hay không việc lò xử lý rác thải sinh hoạt đem đốt cả các chất thải công nghiệp sinh ra khói bụi gây bức xúc trong nhân dân?, vị Phó Chủ tịch xã thừa nhận: “Việc sử dụng lò xử lý rác thải sinh hoạt vào đốt thử nghiệm các chất thải công nghiệp là có.
Vì trên địa bàn xã có một cơ sở tư nhân sản xuất kinh doanh tồn đọng lượng lớn rác thải cần xử lý nên phía cán bộ môi trường có đề xuất là xử lý thử nghiệm nếu hiệu quả thì giải quyết đáng kể lượng rác tồn đọng trên”.
Còn việc các xe chở chất thải từ các nhà máy theo như phản ánh từ phía người dân thì vị này cũng cho biết: “Hiện phía chính quyền xã chưa nắm được thông tin và trong thời gian tới sẽ cử người đi xuống cơ sở giám sát chặt chẽ việc tập kết rác.
Không biết là lò xử lý chất thải sinh hoạt còn “đốt thử nghiệm” rác thải công nghiệp đến bao giờ?. Nhưng việc người dân phải sống chung khói bụi hằng ngày từ loại rác thải này thì vẫn còn hiện hữu chưa biết khi nào mới chấm dứt.