ThienNhien.Net – Tỉnh Phú Yên có gần 67 nghìn ha rừng trồng, tập trung chủ yếu ở ba huyện miền núi Ðồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. So với những năm trước, năm nay, giá gỗ rừng trồng tăng cao. Thực tế qua khai thác, mỗi ha rừng trồng thu lãi từ 50 đến 70 triệu đồng. Trồng rừng đã thật sự đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân miền núi.
Những triệu phú rừng xanh
Xã vùng cao Sơn Ðịnh (huyện Sơn Hòa) nằm ở độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển. Dù đang là ngày hè nắng nóng, nhưng ở đây, không khí vẫn mát mẻ, bởi xanh thẳm trùng điệp núi rừng, bạt ngàn sắn, mía, cao-su, cà-phê… Hai bên đường, nhà cửa san sát, khu dân cư sầm uất. Nói đến chuyện làm ăn ở vùng đất này, ai cũng khẳng định chỉ có trồng rừng là giàu nhanh và bền vững nhất.
Cơ ngơi của anh em ông Lê Ðức Hán và Lê Ðức Huệ (thôn Hòa Bình, xã Sơn Ðịnh) nằm ngay cạnh đường ÐT 643, là những ngôi biệt thự sang trọng, mới xây, trang thiết bị hiện đại. Mở đầu câu chuyện làm ăn, ông Huệ chỉ tay về cánh rừng phía núi sau nhà. Ở đó, hơn 20 ha rừng keo bảy, tám năm tuổi có giá hàng chục tỷ đồng. Ðưa chúng tôi đi dạo trong vườn cao-su xanh tốt ngay sau nhà, ông Huệ tâm sự, hai anh em ông quê tận Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vào xã Sơn Ðịnh lập nghiệp. Với đồng vốn ít ỏi ban đầu, ông Huệ trồng vài sào mía, sắn, nuôi bò. Nhờ siêng năng, chịu khó, nguồn thu năm sau cao hơn năm trước, lại đầu tư vào mua đất, trồng rừng, trồng cây cao-su. Ðến nay, ông Huệ có hơn 10 ha cao-su đang cho thu hoạch, hàng chục ha rừng trồng và các loại cây ngắn ngày như sắn, mía… Giờ, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng…
Chàng thanh niên Lê Hoài Phong ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Ðồng Xuân, sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông con nên nghỉ học sớm. Với quyết tâm làm giàu, vợ chồng Phong rời quê đến vùng 13 An Nghiệp khai hoang, lập trang trại trồng rừng. Sau hơn 15 năm, anh đã biến 50 ha đất bạc màu thành rừng xanh. Dưới tán rừng, gia đình anh chăn nuôi đàn bò hàng chục con. Toàn bộ diện tích rừng của anh Phong đã cho khai thác, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Phong tâm sự, mới đầu ít vốn, thiếu kinh nghiệm, gia đình anh trồng nhiều loại cây khác nhau, như xà cừ, bạch đàn, keo lai nên rừng phát triển không đều, hiệu quả thấp. Cách đây ba năm, sau khi thu hoạch, anh chỉ đầu tư trồng keo, nay đã khép tán rất đẹp. Nhiều doanh nghiệp đến hỏi mua với giá cao. Từ nguồn thu nhập khai thác rừng hằng năm, anh xây nhà, mua xe và bảo đảm việc học hành của các con.
Ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, có anh Trần Văn Ðiện, mới tuổi 33 đã gây dựng sở hữu 100 ha rừng, với các loại cây trồng, khiến nhiều người khâm phục. Anh Ðiện tâm sự: Có người trả giá mua toàn bộ diện tích rừng hơn năm tỷ đồng, nhưng tôi không bán. Hơn chục năm gắn bó rừng, bán tiếc lắm. Ðất sẽ không phụ công người, nếu mình biết yêu rừng. Bà con miền núi chúng tôi quyết bám rừng, làm giàu từ nghề cực khổ này.
Phát triển rừng trồng bền vững
Theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Phú Yên, trong gần 67 nghìn ha rừng trồng, đến nay toàn tỉnh có hơn 61 nghìn ha rừng khép tán từ ba năm tuổi trở lên. Nhiều nhất là huyện Ðồng Xuân, diện tích rừng trồng đã phát triển lên 13 nghìn ha. Phần lớn diện tích rừng trồng do các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện. Với hai hình thức, khi đến thuê đất, các doanh nghiệp thuê lại nhân công tại chỗ từ các khâu trồng, đến chăm sóc rừng; liên kết người dân có đất để cấp giống, vật tư và bao tiêu nguyên liệu trên cơ sở thỏa thuận.
Hiện nay, hằng năm, Phú Yên có sản lượng rừng trồng khai thác hơn 25 nghìn m3 gỗ. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, đã khai thác hơn 3.000 m3. Nếu như năm 2014, giá gỗ rừng cao nhất là 1,1 triệu đồng/tấn, thì hiện nay, hơn 1,3 triệu đồng/tấn. Người trồng rừng thu lãi 50 đến 70 triệu đồng/ha, tùy chất lượng rừng. Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa trồng được ba ha keo, năng suất hơn 200 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng. “Nhờ thu nhập từ rừng kết hợp trồng mía, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Mùa mưa tới, tôi tiếp tục trồng lại, hy vọng vài năm sau, rừng cho thu nhập cao” – ông Hùng phấn khởi nói.
Theo các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, giá gỗ rừng trồng tăng cao do nhu cầu xuất khẩu dăm gỗ tăng. Trong khi đó, ở khu vực miền trung, có nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, cho nên việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu cũng đẩy giá gỗ rừng tăng. Tại tỉnh Phú Yên, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng, giảm chi phí vận chuyển đi các tỉnh lân cận, tỉnh đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến lâm sản, trong đó, có nhà máy của Công ty TNHH Bình Nam sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10 tới. Ðây là điều kiện thuận lợi, kích thích người dân trồng, chăm sóc rừng, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.
Trồng rừng đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2014, toàn tỉnh trồng mới hơn 4.800 ha rừng tập trung. Tuy nhiên, thời gian qua, các vườn ươm cây giống trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các tổ chức, cá nhân.
Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, đã có quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp tại Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư hơn 37 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận. Trước mắt, đến năm 2016, tỉnh chủ động cung cấp 60% cây giống từ nguồn giống được công nhận. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm đủ số cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh sẽ hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hóa nghề giống cây lâm nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; 100% các nguồn giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống được kiểm soát chất lượng giống theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với toàn bộ các loài cây trồng chính.
Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên Huỳnh Xuân Quang cho biết, theo định hướng phát triển hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp, sẽ chọn lọc các loài cây trồng phù hợp với mục đích trồng rừng, sớm cho thu hoạch, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn…
Phú Yên có tổng diện tích tự nhiên hơn 506.057 ha. Trong đó, đất thuộc quy hoạch ba loại rừng hơn 249.783 ha, gồm đất có rừng hơn 165.541 ha, đất chưa có rừng hơn 84.242 ha. Theo UBND tỉnh, trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển lâm nghiệp toàn diện, sử dụng bền vững 287.900 ha đất đã quy hoạch lâm nghiệp. Trước mắt, trong năm 2015 phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 39%, đến năm 2020 đạt 45%. |