ThienNhien.Net – Lò gạch xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường từ năm này qua năm khác khiến người dân phải sống chung với ô nhiễm, bệnh tật, mất màu, đói kém. Các hoạt động khai khác đất, cát trái phép diễn ra tràn lan nhưng không bị các ngành chức năng “sờ gáy”….Đó là nghịch cảnh đang diễn ở khu vực giáp danh của xã Xuân Phú thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội và các xã Đại Tự, Liên Châu của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khổ vì khó lò gạch
Hàng chục năm qua, khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn các xã Xuân Phú, Liên Châu, Đại Tự tồn tại vài chục lò gạch (trong đó có cả lò gạch thủ công) ngày đêm xả khói khiến cuộc sống, sức khỏe và sản xuất của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo quan sát, khói từ các lò gạch, bụi của hàng trăm xe tải chở đất đá, gạch ngói hòa quyện vào nhau khiến bầu khí nơi này đặc quánh, ngộp thở. Các tuyến đường lớn, nhỏ ở khu vực này bị cày nát nham nhở, và chìm ngập trong khói bụi. Cây cối, ruộng vườn, nhà cửa cũng nhuốm trong khói bụi. Hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng, nhà nào cũng cửa đóng then cài. “Nhiều năm qua chúng tôi sống quá khổ rồi, chẳng khác gì bị đày ở địa ngục trần gian. Những hôm ít gió, bụi không bay đi được, cả khu vực ngập chìm bụi, nóng hầm hập như lò sưởi. Ngồi trong nhà vẫn đeo khẩu trang, trẻ con phải di tản đi chỗ khác tránh bụi…”- bà Huệ, người dân xã Đại Tự bức xúc.
Do hít nhiều khói bụi độc hại của lò gạch nên nhiều người mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, bệnh hiểm nghèo. Khi các lò gạch đồng loạt hoạt động, người già, trẻ con không chịu được đành phải đi lánh nạn. Nhiều gia đình không chịu nổi đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Việc các lò gạch đua nhau đốt lò quanh năm, suốt tháng cũng khiến hàng chục ha ngô, chuối, khoai của nhân dân bị héo mòn. “Trước đây chưa có các lò gạch, đất đai màu mỡ, cây cối, hoa màu tốt tươi, dù không giàu nhưng người dân no cái bụng quanh năm. Còn giờ thì hoa màu cứ héo úa rồi chết dần, chết mòn. Không có việc làm, mùa màng thất bát, thử hỏi người nông dân như chúng tôi lấy gì mà sống?” -chị Lê Thị Hoa lo lắng.
Bát nháo nạn khai thác đất cát trái phép
Không chỉ là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nơi đây còn là địa bàn nóng bỏng về tình trạng khai thác đất, cát trái phép. Hoạt động khai thác đất cát bừa bãi, trái phép khiến khu vực bãi bồi ven sông Hồng nham nhở, cả vùng rộng lớn ngổn ngang thùng vũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ vở sông Hồng. Theo người dân phản ánh, trên địa bàn của xã Xuân Phú, chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Văn Tẽo không chỉ đốt lò gạch gây ô nhiễm môi trường còn ngang nhiên tiến hành đào đất cát trái phép với số lượng lớn mang đi bán thu lợi bất chính nhưng không hiểu sao không bị chính quyền xử lý.
Đem những thắc mắc trên gặp ông Phạm Xuân Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, ông Thanh thừa nhận trên địa bàn khu bãi nổi ven sông Hồng có 4 lò gạch của ông Hoàng Văn Tẽo đang hoạt động. Khi phóng viên đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường và tình trạng khai thác đất, cát trái phép thì ông Thanh hẹn buổi khác sẽ trả lời. Đúng hẹn, phóng viên quay lại trụ sở UBND xã Xuân Phú làm việc thì bất ngờ ông Thanh lại từ chối làm việc với lý do thiếu thuyết phục.
Trao đổi với phóng viên về các vấn đề trên, ông Hoàng Duy Kiên- Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cũng thừa nhận trên địa bàn xã Xuân Phú còn tồn tại 4 lò gạch của ông Hoàng Văn Tẽo. Các lò gạch này tuy làm theo công nghệ xử lý khói thải nhưng đến nay cũng chưa hoàn thiện thủ tục về bảo vệ môi trường. “Nếu lò gạch gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý không có chuyện để ảnh hưởng đến nhân dân được…”, ông Kiên Khẳng định. Cũng theo ông Kiên, khu vực bãi bồi thuộc địa phận của xã Xuân Phú giáp ranh với huyện Yên Lạc không được phép đào đất, cát để kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng đào đất đi bán và huyện đã có ý kiến chỉ đạo rồi. Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Văn Nghĩa – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết, do bãi bồi ven sông thuộc địa bàn xã Xuân Phú nằm bên kia sông nên rất khó quản lý. Vấn đề lò gạch gây ô nhiễm môi trường và đào đất trộm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ kiểm tra vào thời gian tới.
Tình trạng lò gạch gây ô nhiễm và khai thác đất cát trái phép bãi bồi thuộc các xã Đại Tự, Liên Châu (giáp danh với xã Xuân Phú) cũng nhức nhối không kém. Tiết lộ với phóng viên, một chủ khai thác cát trái phép ở xã Đại Tự cho biết, “hợp đồng tôi ký với xã Đại Tự là 5 năm, với mục đích thực hiện dự án trồng cây, sản xuất nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, tôi có cho con trai mang máy xúc vào khai thác cát để bán cho các chủ thầu xây dựng, mong các chú thông cảm..”. Trong khi đó, ông Ngô Gia Long – Chủ tịch UBND xã Đại Tự lại cho rằng hoàn toàn không có chuyện máy xúc vào khai thác cát. Để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của người dân cũng như bảo vệ sông Hồng, đề nghị các ngành chức năng huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) sớm có biện pháp mạnh xử lý.