ThienNhien.Net – Nhà cửa, cây cối, vật dụng sinh hoạt của người dân luôn trong tình trạng ám màu bụi trắng xóa. Khói, bụi đã hành hạ cuộc sống người dân nơi đây nhiều năm qua.
Xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) lập “kỷ lục” với sáu nhà máy sản xuất xi măng đóng trên địa bàn. Chỉ riêng Bồng Lạng, một thôn nhỏ có diện tích hơn 1km2, dân số 900 hộ/3000 khẩu, đã chịu đựng 3 nhà máy xi măng nhả khói mù mịt và hàng loạt xe tải lớn chở đất đá chạy rầm rập, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Sống chung với bụi xi măng
Theo người dân, những năm 2004 – 2008, thôn Bồng Lạng có đến bốn nhà máy xi măng được phê duyệt, đi vào hoạt động, ngày đêm đua nhau xả khói, gây ô nhiễm môi trường là: Xuân Thành, Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An.
Hiện nay, thôn chỉ có 3 nhà máy hoạt động thường xuyên là Xuân Thành, Hoàng Long và Thành Thắng (mua lại Nhà máy xi măng Thanh Liêm). Con đường từ cầu Bồng Lạng vào sâu trong các mỏ đá có những đoàn xe tải trọng tải lớn chở đất đá quần đảo liên tục.
Chị Trần Thị Thảo (42 tuổi, ngụ xóm Cửa Rừng) cho biết: “Chồng tôi đã mất bốn năm, hiện nay, tôi đi làm thuê mỗi ngày được hơn 100 nghìn đồng để nuôi hai con ăn học.
Sống chung với khói bụi quá khổ sở nhưng gia đình tôi chẳng biết đi đâu. Các cháu đi học rất nguy hiểm vì vừa ô nhiễm, xe tải lại chạy nhanh, ẩu. Dân làng trước đây kiến nghị các nhà máy xi măng phải tưới nước nhưng chỉ được một thời gian họ không làm nữa. Bây giờ mùa hè, trời nóng hầm hập, đường xá bụi mù, sống ở đây như sống trong lò thiêu”.
Từ khi Nhà máy xi măng Xuân Thành hoạt động đến nay, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm không thể sử dụng, cây cối bị chết hoặc còi cọc. Ngoài ra, bãi rác thải của khu dân cư bị nhà máy lấy mất nên toàn bộ rác thải không có nơi tập kết.
Bên dòng sông Đáy hiền hòa, Bồng Lạng ngày xưa chỉ là ngôi làng nhỏ, thanh bình thì nay đã thành một làng quê xơ xác vì ô nhiễm khói bụi. Các ao hồ có từng đám bẩn vón cục, nổi lềnh bềnh, người dân không thể chăn nuôi thủy sản và sử dụng nước cho tưới tiêu do bị ô nhiễm nặng nề.
Suốt bao năm nay, sống trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, người dân nơi đây đã mắc thêm những bệnh mới, nghiêm trọng nhất là về đường hô hấp, bệnh bụi phổi.
Mỗi năm, bình quân trong xã Thanh Nghị có nhiều người chết do mắc các bệnh hiểm nghèo, đa số là ung thư phổi, vòm họng và các bệnh về hô hấp. Có gia đình có cả bố con mắc ung thư phổi.
Đặc biệt trong những năm gần đây, số trẻ em chết vì ung thư gia tăng, có những em mới 3 tuổi. Nhiều đứa trẻ trong xã còi cọc, bụng ỏng, da vàng. Cây cối, hoa trái của địa phương bám đầy bột xi măng khiến người dân không thể ăn cũng không thể đem đi bán vì không ai mua do sợ nhiễm độc.
Lấy đất của dân chưa đền bù
Nhà máy xi măng Xuân Thành về xây dựng và hoạt động tại thôn Bồng Lạng đã thu mua gần hết những cánh đồng canh tác của người dân. Tập đoàn Xuân Thành còn được cấp phép san lấp những cánh rừng sau làng, những đồi trồng chè và sắn.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề suốt bao nhiêu năm nay, người dân thôn Bồng Lạng vẫn chưa hề được hưởng đền bù do ô nhiễm xả thải của xi măng Xuân Thành, cũng như những nhà máy xi măng khác. Chính quyền địa phương các cấp cũng chưa đưa ra câu trả lời thích đáng cũng như có biện pháp triệt để, dù người dân bao lần đệ đơn.
Ông Lê Quang Thưởng (thôn Bồng Lạng) kể: “Gia đình tôi ra xây dựng kinh tế mới ở đây từ năm 1985. Hiện tại đường quốc lộ 495B mở rộng 68m, thu hồi đất của dân cắm vào 68m nhưng đường mới làm chỉ rộng 52m, dài 3km.
Người dân trong thôn không cho làm đường tiếp vì nhà máy xi măng Xuân Thành chưa đền bù đất thu hồi cho dân. Con đường này chạy thẳng ra bến sông Đáy nên không qua trạm cân nào, vì vậy các xe tải vô tư chở quá tải mà không che đậy gì. Mỗi lần các nhà máy nổ mìn phá đá, cứ như động đất, tường nhà dân bị nứt hết”.
Theo người dân, trước đây, hàng trăm lượt xe ô tô tải ra vào các mỏ mỗi ngày khiến con đường làng bị cày nát, trời mưa như ruộng bừa, lúc nắng khói bụi mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Quá bức xúc, ngày 28/12/2013, hàng trăm người dân xã Thanh Nghị đã dùng đất đá, lập hàng rào để phong tỏa lối ra vào Nhà máy xi măng Xuân Thành. Đỉnh điểm, người dân còn dựng lều, mang cả… quan tài đến bao vây nhà máy.
Anh Nguyễn Đức Phượng ở thôn Bồng Lạng cho biết: “Nhà tôi ở trên đất này từ năm 1960 với diện tích đất ở là 2.000m2, diện tích đất canh tác 2.000m2 nữa. Mở đường, nhà máy lấy vào đất nhà tôi từ năm 2010. Vậy mà đến nay, nhà máy vẫn chưa đền bù giải tỏa cho gia đình tôi”. Anh Phượng cho biết thêm, các gia đình trong thôn đều ít nhiều chưa nhận hết tiền đền bù giải tỏa của nhà máy, 35 hộ gia đình chưa nhận đất tái định cư. Dân bức xúc nhưng kiện mãi chẳng ai giải quyết.