ThienNhien.Net – “Lo không chu đáo cơm nước, lo đêm khuya ngã bệnh giữa rừng… nên sau khi cưới nhau, tôi theo ảnh vô đây sống. Hai đứa con của tui cũng lớn lên trong cánh rừng này. Đến tuổi đi học gửi về nhà ngoại nuôi tiếp. Nghỉ hè, cả gia đình đoàn tụ trong rừng”. Giọng kể của chị Nguyễn Thị Thu Thảo chân chất rặt Nam Bộ, nhưng nó như mũi kim cứa vào lòng tôi nỗi đau đáu về góc khuất của những người làm công tác bảo vệ Vườn Quốc gia Tràm Chim – (VQGTC, Tam Nông, Đồng Tháp).
Một người lĩnh lương, cả nhà… phục vụ
Trưa giữa tháng 5, trời như đổ lửa. “Nắng nóng thế này, chắc mấy anh bảo vệ rừng có mặt tại chốt” – đinh ninh thế, tôi tìm vào chốt Quyết Thắng tại khu A4 của VQGTC mà không hẹn trước. Từ thị trấn Tràm Chim vào đến cầu Cà Dăm (xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông), phải thêm 2 cây số đường kênh chằng chịt mới vào chốt Quyết Thắng. Nhưng đợi suốt 1 giờ đồng hồ mà không thấy ghe để quá giang nên đành điện thoại cầu cứu Chốt trưởng Đỗ Minh Chánh. “Tôi mới bơi xuồng đi tuần tra, khoảng 3 tiếng nữa mới về”. Sau một buổi chờ đợi, cuối cùng tôi cũng được anh Chánh ra đón. “Mỗi chốt có hai người, sáng nay người trực chung có việc đột xuất, xin phép nghỉ một buổi, tôi phải tăng cường tuần tra…”. Anh Chánh tay cầm quạt phẩy liên hồi về phía tôi như để xua bớt cái nóng hầm hập, miệng hối vợ đun nước trà đãi khách: “Chưa có điện lưới nên không có quạt máy và cũng chẳng có nước đá. Cả chốt chỉ có tấm pin năng lượng mặt trời đủ để sạc điện thoại, đèn tuần tra và bật tivi xem chương trình thời sự mỗi tối”.
Sau tuần trà, anh Chánh kêu vợ – chị Nguyễn Thị Thu Thảo – lên tiếp khách rồi đi xối mấy ca nước cho mát người. “Chị cũng thuộc biên chế của VQGTC?” – tôi bắt chuyện. “Không, tui chỉ theo chồng…”. Là người lớn lên ở xứ Tam Nông nên chị Thảo hiểu phần nào nỗi cực nhọc và cô đơn của người bảo vệ VQGTC. Vì vậy sau khi kết hôn (năm 1994), chị khăn gói vào rừng lo chuyện cơm nước cho chồng… “Hồi đó, từ đây ra chợ Tràm Chim chỉ có 1 chuyến đò dọc duy nhất khởi hành từ lúc 5h sáng và quay lại vào lúc 15h nên rau xanh cũng thành rau héo, cá tươi cũng thành ươn”. Từ ngày chị Thảo vào, đời sống trong chốt tươi tắn lên. Nhưng chị Thảo thì ngược lại. “Chốt đóng tận trong rừng, ban ngày thì vắng bặt bóng người, 4h chiều là muỗi kêu như sáo thổi”. Nhưng khó nhất là nước sinh hoạt. Do nguồn nước ngậm phèn đặc quánh, chị Thảo phải mang bao ra nhà dân xin tro bếp về lóng phèn để dùng trong sinh hoạt. Nhờ đó mấy ông bảo vệ ở đây mới thoát cảnh cảnh nấu cơm hột gạo chuyển màu xanh lè, còn giặt đồ thì thớ vải xơ cứng như vỏ cây… Chính nụ cười của chồng, ánh mắt cảm ơn của những người bạn bảo vệ rừng đã khiến chị Thảo vượt qua nghịch cảnh.
Tại chốt Phú Đức 2, khu A1 (xã Phú Đức, Tam Nông) vợ chồng anh Trịnh Thanh Phong cũng có 20 năm thâm niên gắn bó với rừng. Anh Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc VQGTC – xác nhận: “Hiện đơn vị có 50 nhân viên bảo vệ, và chuyện một người lĩnh lương, cả nhà vào rừng phục vụ như vợ chồng anh Chánh, anh Phong là khá phổ biến. Thực tế cho thấy, chính những người vợ, người con là hậu phương vững chắc để nhân viên bảo vệ gắn bó với rừng”.
Lương ít, xích mích nhiều
“Mỗi ngày một nhân viên bảo vệ phải thực hiện 3 tua tuần tra: Sáng 5h30 – 8h, chiều: 13h30 – 16h, tối: 20h – 23h”. Anh Chánh rút gọn để giúp tôi hình dung công việc hằng ngày của bảo vệ ở VQGTC, nhưng qua trò chuyện, tôi đã nhận ra sau câu nói gọn nhẹ ấy là cả sự thật nặng lòng. Do đặc thù công việc, tuần tra trong rừng chủ yếu bằng xuồng bơi tay. Vì vậy bình quân mỗi ngày, mỗi nhân viên ở đây phải bơi xuồng khoảng 10km. Nhưng gặp hôm hữu sự, phải làm việc tới sáng thì số lượng cây số này còn nhiều hơn và đáng lo hơn là hiểm nguy có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Theo Giám đốc VQGTC Nguyễn Văn Hùng, chính sự nhiệt tình này là chiếc băng chống cháy hữu hiệu. Điển hình là cả năm 2014 VQGTC không để xảy ra trận cháy rừng nào. “Đó là kỳ tích. Bởi vây quanh bên ngoài vùng đất ngập nước rộng trên 7.000ha với nguồn tài nguyên lớn về cá, mật ong… là 50.000 người thuộc 5 xã, 1 thị trấn, đa phần là dân nghèo… nên VQGTC thường xuyên đối mặt với nạn xâm nhập trái phép”. Mặt anh Hùng trở nên căng thẳng: “Vài năm gần đây, nạn tấn công nhân viên bảo vệ lên mức báo động…”. Bình quân mỗi năm có 10 vụ, nhưng tính chất mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng. Do họ đi thành đoàn vài chục người, trong khi mỗi chốt chỉ có 2 nhân viên bảo vệ nên rất khó. Nhưng khó hơn là mức phạt các trường hợp này thời gian qua chưa đủ răn đe nên cứ tái đi, tái lại. Thậm chí họ còn tấn công ngay cả nhân viên bảo vệ là dân cố cựu tại chỗ và là bộ đội phục viên phải nhập viện nhiều lần. Điển hình là anh Trịnh Thanh Phong, là bộ đội phục viên vào làm bảo vệ từ năm 1992, nhưng anh đã 3 lần bị nhóm người xâm nhập rừng trái phép hành hung phải nhập viện…
Ít người biết, đằng sau những công việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt ấy là chế độ thù lao còm cõi: Hơn 2 triệu đồng/nhân viên có trên 20 năm thâm niên công vụ. Tôi cố tình hỏi đi, hỏi lại để nuôi hy vọng mình đã nghe nhầm, để rồi không thể thất vọng hơn khi anh Phong gằn từng tiếng rõ mồn một: “Lương tháng là 2,3 triệu đồng. Vào mùa khô được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng”. Trên dưới 3 triệu đồng/tháng cho người có trên 20 năm thâm niên công tác như anh Phong, quả là mức thu nhập khó để người lao động giản đơn có thể an lòng. Vẫn chưa tin nên tôi tìm gặp Giám đốc VQGTC để kiểm chứng và được trả lời: “Anh em nói thu nhập thấp hả, không đúng đâu, phải nói là quá thấp mới đúng…”. Anh Hùng thở dài: “Khắc nghiệt rồi áp lực, khó khăn trăm bề, nhưng chưa dễ làm khác chính sách được”.
Thao thức “giấc mơ hoa”
Một buổi trò chuyện với anh Phong, anh Chánh và Sơn, tôi có cảm giác mình học được nhiều, rất nhiều kiến thức về động, thực vật vùng Đồng Tháp Mười mà suốt thời ngồi ghế nhà trường chưa có được. Đó không chỉ là những con số không phải ai cũng biết và nhớ, như: VQGTC có 130 loài thực vật, trong đó có nhiều loài được xếp vào hàng “độc”, như lúa trời… và là “thủ phủ” của 231 loài chim nước, thuộc 25 chi, 49 họ, trong đó có nhiều loài được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, như: Ngan cánh trắng, cốc đế, giang sen, bồ nông chân xám, già sói, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ…. mà còn cả kiến thức chuyên sâu của “nhà khoa học chân đất”.
Khi đến khu A4, nghe anh Chánh giới thiệu về cánh đồng hoa “Hoàng đầu ấn” mà tôi biết thêm loài hoa lạ cả về tên gọi, sinh trưởng và thời gian trổ hoa. “Mùa lũ về, cây nằm im dưới lòng đất, lũ rút, cây đâm chồi, trỗi màu xanh và đồng loạt ra hoa vào tháng giêng” – anh Chánh nhấn mạnh: “Khi những tia nắng đầu ngày xuyên qua kẽ lá tràm, chính là thời điểm hoàng đầu ấn khởi đầu hành trình khoe sắc: Từng cánh hoa bắt đầu vươn ra khỏi vỏ nụ… nhưng hoa chỉ rộ nở và bộc lộ hết vẻ đẹp sắc vàng quý phái trong thời gian ngắn: 10-12 giờ trưa”. Còn anh Phong thì có thể kể có đầu có đuôi nhiều thứ, từ chuyện hình dáng đặc thù của tổ, tính nết săn mồi, tiếng kêu của từng loài chim… cho đến đặc tính của nhiều loài cây, cỏ. Đặc biệt là anh có kỹ năng tự tay thu hoạch và chế biến lúa trời từ trên cây thành nồi cơm thơm lừng phong vị Đồng Tháp Mười.
Xác nhận thực tế khó tin dù có thật này, anh Hùng tươi tắn hẳn lên: “Sắp tới đây, VQGTC sẽ có nhiều người hiểu biết sâu hơn và họ sẽ là nhân vật chính trong đề án phát triển du lịch sinh thái đặc thù mà đơn vị đang xây dựng”. Theo lời anh Hùng, lãnh đạo đơn vị đang âm thầm cho phép nhân viên bảo vệ học nâng cao trình độ. Hiện có 6-7 người đang theo học hệ đại học ngành nông lâm (hệ vừa học vừa làm). Theo đề án, sẽ huấn luyện thêm kiến thức cơ bản để những nhân viên bảo vệ này làm hướng dẫn viên. Vừa bám sát người tham quan và vừa có thể vận dụng những hiểu biết thực tế và sống động về vùng đất, cây cỏ, chim cá để giải thích, thuyết mình cho du khách hiểu và trở lại VQGTC nhiều hơn. Và tất nhiên khi đó thu nhập của anh em sẽ được cải thiện” – anh Hùng nhìn về tôi nở nụ cười hy vọng.