ThienNhien.Net – Hơn 10 ngày qua, đông đảo người dân ở thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh và dân thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã dựng lán trại nằm cả ngày lẫn đêm, ngăn chặn các doanh nghiệp hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại cụm mỏ đá Lạc Tiến.
Tình trạng này không những làm tê liệt hoàn toàn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mà còn làm mất an ninh trật tự tại địa phương.
Nguyên nhân vụ việc được xác định là do ô nhiễm môi trường bởi bụi đá, nhà cửa nứt nẻ do nổ mìn khai thác đá gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Mỏ đá này hiện có 4 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép và đi vào hoạt động khai thác đá (nổ mìn lấy đá, nghiền đá, trộn đá với hắc ín) phục vụ nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A và các công trình khác.
Do nhu cầu về vật liệu xây dựng lớn nên gần đây, cụm mỏ đã tăng cường hoạt động khai thác để đáp ứng. Việc nổ mìn phá đá, hoạt động máy nghiền đá đã làm hàng trăm hộ dân sống gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bụi đất, bụi đá ập vào, nhất là thời điểm này, gió Tây Nam thổi mạnh đã đưa lượng lớn bụi từ cụm mỏ đá dồn vào khu dân cư. Không những phải sống trong cảnh môi trường ô nhiễm do bụi bẩm, mà người dân còn âu lo khi phải sống trong cảnh nhà bị nứt, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, ở thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh bức xúc cho biết: “Chúng tôi lên đây kiến nghị đã hơn 10 hôm rồi nhưng không thấy bóng dáng lãnh đạo công ty nào đứng ra nói với dân để dân thỏa mãn, dân đi. Vì vậy, chúng tôi bức xúc kéo lên ngăn chặn. Mong các cấp chính quyền làm như thế nào để giải quyết bớt đi ô nhiễm, trả lại môi trường trong sạch cho người dân sinh sống.”
Ông Lê Tôn Vinh, Phó Giám đốc Công ty vận tải Phú Khang cho biết nguyên nhân sâu xa nhất là vấn đề phát triển nóng của đường quốc lộ 1A, đẩy các doanh nghiệp tăng công suất hoạt động. Hơn nữa các trạm trộn sử dụng công nghệ đốt dầu chưa đạt chuẩn, phát tán mùi hôi ra môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh Trần Mạnh Cương cho biết cụm mỏ đá này không thuộc địa giới hành chính của xã Phước Minh quản lý, mà thuộc xã Cà Ná. Nhưng khi các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá, gây ra hậu quả trên thì người gánh chịu lại là dân Phước Minh.
Ông Cương cho biết đã tổ chức 4 lần đối thoại với người dân, tuy nhiên người dân vẫn bức xúc kéo đến ngăn chặn hoạt động khai thác đá.
Khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã cho ngừng hoạt động khai thác, chế biến đá tại cụm mỏ, đồng thời phối hợp với huyện Thuận Nam tiến hành họp dân để có biện pháp xử lý.
Với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đang khai thác, chế biến đá tại cụm mỏ đá này.
Ông Lê Huyền, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường trên địa tỉnh thì sở cũng đã phối hợp với địa phương kiểm tra và nắm bắt tình hình, sau đó tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường trong điều kiện chỉ có 1 trạm trộn bêtông và một trạm nghiền đá của công ty An Cường hoạt động.
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức đối thoại, trong đó đã đặt ra vấn đề phải tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra, đánh giá lại việc tổ chức hoạt động của các mỏ đá trong cụm mỏ, đặt biệt là công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó kiểm tra nội dung phản ánh của bà con liên quan về vấn đề môi trường đối với thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh, kể cả thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná.
Sau đối thoại, Sở đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, công bố quyết định này đến địa phương và các doanh nghiệp. Hiện đoàn cũng đang tiến hành các thủ tục để kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra trong quá trình làm việc với các mỏ đang khai thác thì có một vấn đề đó là hiện nay nguồn nước để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, cụ thể để dập bụi trong quá trình nổ mìn, khai thác, chế biến và vận chuyển đá đang đặt ra khó khăn cho các doanh nghiệp. Sở cũng đã bàn với địa phương và công ty cấp nước sẽ thực hiện việc cấp nước vào cụm mỏ để các doanh nghiệp đảm bảo nguồn nước đầy đủ, phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, để tăng cường việc giám sát của cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương và người dân đối với hoạt động mỏ đá này, nhất là việc bảo vệ môi trường, Sở đã phối hợp với địa phương thành lập 2 tổ giám sát môi trường do đại diện cộng đồng nhân dân, chính quyền địa phương 2 xã Phước Minh và Cà Ná để thường xuyên giám sát việc bảo vệ môi trường, qua đó phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Các doanh nghiệp khai thác đá tại cụm mỏ đá Lạc Tiến có gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nếu có thì ở mức độ nào, biện pháp xử lý ra sao. Những câu hỏi này rất cần các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xử lý để người dân khỏi bức xúc, ngăn chặn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.