ThienNhien.Net – Theo kế hoạch, các lò gạch thủ công trên địa bàn TP. Kon Tum phải di dời vào khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong năm 2014. Nhưng đến nay, hàng chục lò gạch đốt củi vẫn hoạt động ngay trong khu dân cư, đe dọa tài nguyên rừng, phát sinh khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường và làm sạt lở nghiêm trọng bờ suối do khai thác đất…
Người dân bức xúc
Bước chân vào làng Kon Mơ Nây, thôn Kon K’Tu 1, xã Đăk Blà (TP. Kon Tum), đập vào mắt chúng tôi là hơn chục lò gạch thủ công nằm gần sát nhau xen lẫn ngay trong khu dân cư. Các lò gạch thi nhau múc đất dưới con suối chạy ngang qua làng để làm gạch. Một vài lò đang trong giai đoạn đốt lò nung, nhả khói đen ngòm cả một vùng.
Giữa trưa nắng, nhưng mẹ con chị Y Đong, trú làng Kon Mơ Nây không dám vào nhà mà bồng bế nhau ra ngồi ngoài hiên. “Khi lò gạch sau nhà đốt lò nung là cả nhà phải ra ngoài vì trong nhà toàn là khói đen. Nhà mình nhỏ và thấp nên khói không thoát ra ngoài được cứ lùng bùng trong đó. Mùi khói hăng hăng đến người lớn còn không chịu nổi làm sao em bé chịu được, nó cứ ho miết thôi. Dân làng cũng ý kiến nhiều lần lên xã Đăk Blà nhưng vẫn không thấy giảm chút nào, các lò gạch vẫn cứ gây ô nhiễm”, chị Y Đong phàn nàn.
Còn chị Y Bluih, ở cách đó chừng 20m thì bức xúc: “Họ xây lò gạch ở đây, người dân làng này đều sống trong ô nhiễm môi trường. Mỗi lần đốt lò nung 3 ngày liên tiếp, khói mù mịt cả làng, bay vào nhà, cây cối gần lò gạch cũng không thể phát triển được vì khói. Trẻ con thì đau ốm, ho suốt ngày. Con suối Chà Mòn phía sau làng thì sói lở hai bên bờ vì người ta cứ xuống đó múc đất làm gạch. Trước kia, suối là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho dân làng, giờ thì ô nhiễm lắm. Mùa mưa đến, lại càng sạt lở, nước tràn vào nhà, chỉ sợ sau này sẽ cuốn luôn cả nhà đi thôi”.
Ngay phía đầu làng là lớp mẫu giáo thôn Kon K’Tu 1. Cả lớp có 25 em nhỏ khoảng từ 4 – 5 tuổi, thường xuyên bị khói bủa vây bởi 4 lò gạch phía sau lưng và 6 – 7 lò nằm đối diện. Theo nhiều người dân, lớp học luôn phải đóng kín cửa, nhưng khi các lò cùng hoạt động thì khói vẫn lọt vào được. “Ngửi nhiều cũng thành quen, tội mấy đứa trẻ còn nhỏ mà luôn tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Ý kiến nhiều lần rồi nhưng đó là công việc để họ làm ăn sinh sống nên cũng đành chịu”, một người dân làng Kon Mơ Nây nói.
Di dời lò gạch – Bài toán khó
Theo thống kê từ Phòng Kinh tế TP. Kon Tum, chỉ tính riêng địa bàn TP. Kon Tum có 5 lò sản xuất gạch tuy nen và đến 300 lò sản xuất thủ công. Mỗi năm các lò cung ứng ra thị trường khoảng trên 200 triệu viên gạch và là nơi giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Được biết, từ năm 2006, tỉnh Kon Tum đã có chủ chương di dời các lò gạch thủ công về các khu quy hoạch tập trung hoặc xóa bỏ lò thủ công, chuyển đổi dây chuyền công nghệ hiện đại. Dự kiến đến 2020, sẽ xóa bỏ hoàn toàn lò thủ công trên địa bàn, thay thế bằng sản xuất và sử dụng gạch không nung, đem lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.
Đến nay, thành phố đã di dời được 247 lò thủ công vào hai khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đặt tại tại thôn 5, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum (diện tích 70 ha) và tại phường Ngô Mây, TP. Kon Tum (diện tích 32 ha). Hiện tại, còn lại hơn 50 lò thủ công tại khu vực xã Ngọc Bay, xã Đăk Blà, và phường Ngô Mây, TP. Kon Tum. Đa số các lò vẫn sử dụng củi đốt làm phát thải khí nhà kính, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ruộng và suối Chà Mòn thì bị đào bới nham nhở để lấy đất nguyên liệu, để lại nhiều hố sâu và tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường từ các lò gạch này, TP. Kon Tum cũng có nhiều giải pháp, tuyên truyền các hộ gia đình đầu tư xây dựng lò sản xuất gạch tuy nen hoặc chuyển đổi mô hình đốt lò bằng than đá để tiết kiệm nguyên liệu, không đe dọa đến tài nguyên rừng. Khuyến khích người dân xóa bỏ nghề làm gạch thủ công, chuyển đổi nghề nghiệp dưới sự hỗ trợ đào tạo nghề của thành phố. Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng đang tham mưu cho UBND TP. Kon Tum chọn khu đất tập trung phù hợp để di dời các lò thủ công này.
Tuy nhiên, việc di dời lò thủ công ra khỏi khu dân cư vẫn là một bài toán khó. Ông Hà Đường – Trưởng phòng Kinh tế TP. Kon Tum nêu một số khó khăn mà địa phương gặp phải: “Đa số các hộ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu để cải thiện đời sống gia đình. Vì điều kiện các cơ sở sản xuất còn khó khăn, không đủ kinh phí kinh phí để chuyển đổi công nghệ, mặc dù sẽ được hỗ trợ 10% chi phí. Bên cạnh đó, quỹ đất tập trung của thành phố đã hết, hiện vẫn chưa xác định vị trí phù hợp để di dời các lò gạch còn lại. Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các lò gạch này vẫn chưa thể khẳng định chính xác bởi một cơ quan nào nên không thể có biện pháp xử lý”.
Thiết nghĩ, việc di dời lò gạch thủ công ra khỏi khu dân cư là một chủ trương đúng đắn của chính quyền TP. Kon Tum, cần được triển khai dứt điểm càng sớm càng tốt để bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của hàng trăm hộ dân trong khu vực.