ThienNhien.Net – Ô nhiễm môi trường ở làng nghề sản xuất lược sừng ở Thụy Ứng, xã Hòa Bình (Thường Tín – Hà Nội) đã kéo dài hàng chục năm nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Những giải pháp mà chính quyền địa phương đưa ra chỉ mang tính tạm thời, vì thế không thể xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên.
Sống chung với bụi mùn sừng và mùi hôi thối
Có mặt tại cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Mười Sử ở đội 7, thôn Thụy Ứng, phóng viên baotainguyenmoitruong.vn không khỏi ngạc nhiên khi thấy đa số nhân công của xưởng phải đeo kính và bịt khẩu trang. Theo ông Nguyễn Văn Thái (57 tuổi), một nhân công của xưởng, người có thâm niên với nghề sản xuất lược sừng trâu, sừng bò đã hơn 40 năm thì mỗi khi làm việc ở xưởng, ông phải đeo kính và bịt khẩu trang để tránh mùn sừng bay vào mắt và miệng, gây đau mắt và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Vừa chà dáng lược, ông Thái vừa nói: Trong quá trình sản xuất lược sẽ tạo ra những mùn sừng, nếu mùn dính nước mưa mà không được quét dọn ngay thì chỉ ba ngày sau sẽ bốc mùi hôi thối. Những nhà sản xuất lược trong xưởng thì sẽ sạch sẽ, an toàn hơn những gia đình chế biến ở ngoài sân, vì xưởng được bố trí mái chắn, hạn chế mùn bay ra ngoài không khí.
Để tạo ra một chiếc lược bằng sừng trâu, sừng bò thì phải thực hiện hơn 20 công đoạn. Tại xưởng sản xuất mỹ nghệ sừng của ông Nguyễn Văn Sử, qua quan sát, phóng viên nhận thấy đa số những nhân công đảm nhận các công đoạn tạo ra nhiều mùn sừng như ép tạo phôi, chà dáng, cắt răng… đều phải đeo khẩu trang và đeo kính để tránh mùn bay vào mắt, mũi và miệng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo ông Lê Văn Khoa, người dân ở làng Thụy Ứng thì làng nghề giúp phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình trong làng, nhưng cũng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ông Khoa cho biết: Những nhà sản xuất trong xưởng thì lượng bụi từ mùn sừng không gây ảnh hưởng nhiều đến không khí xung quanh, tuy nhiên nhiều nhà trong ngõ sản xuất lược ngoài sân, khiến khói bụi bay mù mịt ra tận ngoài đường chính, ai đi qua cũng phải sợ. Nếu cơ sở sản xuất nào có ý thức thì làm hệ thống cống hút bụi, để mùn sừng chui ngầm dưới cống, sau đó trôi dạt ra ngoài sông.
Bên cạnh ô nhiễm không khí thì làng nghề Thụy Ứng cũng chịu nhiều hệ lụy bởi ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất. Theo ông Khoa thì ngoài sản xuất lược, làng Thụy Ứng còn có nghề chế biến da trâu, bò. “Nghề này gây ô nhiễm đáng kể, gấp nhiều lần nghề sản xuất lược! Để giữ được lâu, không bị thối, các chủ sản xuất phải ướp muối cho da, sau đó nước thải có chứa muối xả ra cống, ra đất sẽ làm cây cối chết, đất chết và gây ô nhiễm nguồn nước” – ông Khoa bức xúc.
Cần quy hoạch làng nghề
Vẫn theo ông Khoa thì một thời gian trước đây, khi những người phải chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm phản ánh tình trạng này lên chính quyền địa phương, xã đã yêu cầu các cơ sở chế biến da trâu, bò ngừng sản xuất, tuy nhiên cứ được một thời gian thì “đâu lại vào đấy”.
Một người dân giấu tên cho biết: Nước thải từ các cơ sở ủ da và sản xuất lược từ sừng trâu, sừng bò xả trực tiếp ra cống làng, chảy xuống ruộng làm cho hàng chục héc ta không thể canh tác được, không khí xung quanh luôn nồng nặc mùi hôi thối, nhất là vào những ngày nắng nóng. Vẫn biết là ô nhiễm, nhưng làng nghề Thụy Ứng đã phát triển hàng mấy trăm năm nay, đem lại thu nhập cho nhiều người dân, nên làm sao họ bỏ nghề được?!\
Bà Dương Thị Vững, người dân làng Hoàng Xá (xã Khánh Hà – huyện Thường Tín) đi qua làng Thụy Ứng cho biết: Mỗi lần đi qua đây, tôi đều phải bịt mũi vì mùi thum thủm từ các cơ sở sản xuất da trâu, bò bốc lên nồng nặc. Một số làng ở xã Khánh Hà đã phản đối việc sản xuất của các cơ sở chế biến da và xương trâu, bò vì mùi hôi thối và khói bụi bay sang tận xã Khánh Hà, làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Trao đổi về tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề Thụy Ứng, ông Đỗ Văn Bình – cán bộ địa chính xã khẳng định: Đã là làng nghề thì không thể tránh khỏi ô nhiễm! Làng nghề sản xuất lược sừng, da và xương trâu, bò ở Thụy Ứng gây ảnh hưởng đến hệ thống nước ngầm và gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với những trường hợp mắc bệnh phổi. Hằng năm, một số đơn vị quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường về lấy mẫu nước thải của làng nghề và đều kết luận, nguồn nước có bị ô nhiễm từ việc sản xuất.
“Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân, chính quyền xã đã thực hiện biện pháp quy hoạch làng nghề, nghĩa là yêu cầu các hộ sản xuất da, xương trâu, bò chuyển ra một khu riêng biệt, xa khu dân cư. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì vậy, chính quyền xã đề nghị các cấp có thẩm quyền chung tay hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải làng nghề để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường” – ông Bình bày tỏ.
Thiết nghĩ, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở làng nghề Thụy Ứng rất cần các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường. Ngoài ra, để xây dựng khu xử lý nước thải, khí thải, rác thải tập trung nhất thiết phải quy hoạch đưa các hộ làm nghề vào các điểm công nghiệp, xa khu dân cư sinh sống.