ThienNhien.Net – Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 10km nhưng nhiều năm nay, 540 hộ dân ở thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không có nước sạch, nguồn nước giếng khoan bị nhiễm sắt cao, các lò giết mổ gia súc không phép hoạt động suốt ngày đêm xả thẳng nước thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn càng khiến tình trạng trên thêm trầm trọng. Người dân đã nhiều lần “kêu cứu” nhưng đến nay mọi việc vẫn “Giậm chân tại chỗ”.
Lò giết mổ tự phát hoành hành
Nhận được phản ánh của người dân, những ngày giữa tháng 5, phóng viên Báo Hànộimới về thôn Linh Quy Bắc. Trái với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, Linh Quy Bắc là một làng trù phú: Đường nhựa, bê tông rải đến từng ngõ, xóm. Trong thôn có rất nhiều ngôi nhà cao tầng, bề thế. Ông Dương Mạnh Thọ (63 tuổi), Trưởng thôn cho biết, Linh Quy Bắc có truyền thống khoa bảng, thêm vào đó, trong thôn nhiều gia đình năng động, làm kinh tế giỏi nên nơi đây được biết đến là ngôi làng trù phú nhất vùng. “Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng tôi luôn phải sống chung với ô nhiễm. Người già, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Xã không có nước sạch. Nguồn nước giếng khoan bị nhiễm sắt nặng trong khi đó, nước giếng khơi không thể sử dụng được do trên địa bàn có quá nhiều lò giết mổ trâu bò hoạt động, xả thẳng chất thải ra hệ thống thoát nước chung, ngấm vào lòng đất. Cùng với đó, nghĩa trang của thôn cũng quá tải…” – ông Thọ thở dài ngao ngán.
Nói rồi, ông Thọ dẫn chúng tôi đi mục sở thị các điểm chuyên giết mổ trâu bò. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy tại các đầu cống, nhiều bộ phận nội tạng, da trâu, bò, mỡ dồn ứ bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đi vòng ra phía sau bờ tường của một hộ gia đình chuyên giết mổ, phân bò chất đầy, nước thải lẫn nước sinh hoạt xả thẳng vào hệ thống tiêu thoát chung của thôn biến thành màu đen kịt, sủi bọt, đặc quánh. Ông Thọ bảo: “Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở, kiến nghị lên chính quyền xã, thậm chí có khi cảnh sát môi trường về kiểm tra rồi, nhưng vài bữa lại đâu vào đấy”. Lâu ngày, nước thải này ngấm xuống lòng đất, khiến nguồn nước ô nhiễm trầm trọng thêm.
Ông Vũ Mạnh Hùng, người cùng thôn cho biết thêm: “Trước kia, các điểm giết mổ hình thành tự phát, thỉnh thoảng mới đem trâu bò về thịt. Vài năm trở lại đây, nhu cầu dùng thịt bò trong thành phố cao, họ thu mua bò ở khắp mọi nơi, thậm chí có cả gia súc ngoại nhập đưa về tập kết tại đây để giết mổ. Việc này diễn ra hằng ngày. Cả hai thôn Linh Quy Bắc, Linh Quy Đông hiện nay có khoảng 6-7 điểm giết mổ. Trung bình mỗi đêm, họ thịt khoảng 30 con. Ô nhiễm đến nỗi không ai trong thôn còn dám dùng nước giếng khơi. Bởi nước có màu vàng và váng nổi như mỡ”.
Theo ông Thọ, để có được nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, người dân phải xây hai bể lắng và lọc. Nước giếng bơm lên từ độ sâu 30-40m sẽ chảy qua một bể chứa đầy cát. Dù mỗi năm thay cát 2-3 lần nhưng do nước ngầm ô nhiễm nên vòi nước đã lọc chảy vào bể vẫn có màu vàng như gỉ sắt. Để chứng minh, ông Thọ tiến hành “thí nghiệm” ngay cho chúng tôi xem. Bát nước giếng khoan được lấy ra trong vắt, nhưng khi ông Thọ rót chút nước chè uống hằng ngày vào, nước bỗng chuyển màu tím ngắt. Kinh nghiệm dân gian cho biết, nước đó nếu không qua xử lý thì sẽ không thể sử dụng được vì nhiễm sắt nặng. Ông Thọ thở dài: “Chúng tôi thì không lo, lo là thế hệ trẻ sau này, bởi mầm bệnh không tới ngay một lúc được. Có được nước sạch từ nhà máy để sử dụng là mong ước cháy bỏng của bà con trong thôn”.
Nước sạch sớm về?
Địa phương đã làm hết trách nhiệm? – Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra đối với ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, về việc để tồn tại những lò mổ không phép trên địa bàn. Tuy nhiên, điều chúng tôi bất ngờ là vị phó chủ tịch này khẳng định, chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm. Ông cũng phân bua rằng, các lò mổ này hình thành từ lâu, nhưng hoạt động không thường xuyên, thỉnh thoảng mới giết mổ gia súc khi nhận được đơn đặt hàng. Việc gây ô nhiễm, xả thải ra hệ thống chung của thôn xóm, chính quyền xã đã nhắc nhở, thậm chí xử phạt (lần gần nhất là… cuối năm 2013). Thêm vào đó, xã cũng đã kiến nghị việc di dời các lò mổ ra ngoài, nhưng đến nay chưa thực hiện được (?). Ông Hải còn cho biết thêm, người dân chung sống với tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng xã đã kiến nghị lên cơ quan chức năng. Gần đây nhất, cuối năm 2014, đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã về lấy mẫu nước nghiên cứu nhưng đến nay chưa có hồi âm. Theo đề án quy hoạch, đến năm 2015 sẽ có đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy về xã.
Trái ngược với quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Dũng khẳng định: “Việc chính quyền xã thông báo đã làm hết trách nhiệm là chưa được. Vì trách nhiệm của xã là phải kiểm tra đăng ký kinh doanh của các hộ hành nghề giết mổ gia súc, nếu không đủ giấy tờ hợp lệ thì chính quyền địa phương có quyền xử lý. Thêm vào đó, thực hiện luật môi trường, không cần cơ quan chức năng thẩm tra, nhưng nếu phát hiện có biểu hiện gây ô nhiễm môi trường, chính quyền xã cũng có thể lập biên bản xử phạt hành chính, báo cáo cơ quan chức năng giải quyết. Về việc này, huyện sẽ có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, nhằm ngăn chặn, hạn chế xuống mức thấp nhất mầm bệnh phát sinh…”.
Ông Dương Dũng cho biết thêm, trước đây, lãnh đạo huyện Gia Lâm đã nắm được tình hình thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Khi đó, lãnh đạo huyện đã giao cho các phòng chức năng như kinh tế, quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, nếu không đủ điều kiện thì yêu cầu các cơ sở giết mổ này ngừng hoạt động. Nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay chưa giải quyết triệt để.
Liên quan việc cung ứng nước sạch, Phó Chủ tịch Dương Dũng cho biết, đây cũng là một trong những vấn đề lãnh đạo huyện đang tập trung giải quyết. Bởi vấn đề môi trường, nước sạch là một trong 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Được sự quan tâm của thành phố, hiện nay một số xã trên địa bàn huyện đã có nước sạch dùng. Hiện tại, quy hoạch sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đã được xây dựng xong và công ty nước sạch sẽ cung cấp trong thời gian sớm nhất. Đối với một số khu vực trên địa bàn huyện như Kim Sơn, Lệ Chi và một phần Phú Thị… chưa có nước sạch thì huyện phối hợp với Công ty Nước sạch số 2 tiến hành khảo sát và thống nhất đề nghị thành phố đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn các xã này. Ông Dũng khẳng định: “Lãnh đạo huyện sẽ làm hết khả năng để bà con sớm được cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt”.