ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong hai thập kỷ qua, nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại nước ta vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi mô hình tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, ý thức của người dân chưa cao. Thực tế này đã khiến nhiều loài quý hiếm đang phải đứng trước bờ vực tuyệt chủng.
Vi phạm chưa được kiểm soát
Qua theo dõi công tác đấu tranh của lực lượng công an và các đơn vị liên quan như hải quan, bộ đội biên phòng, kiểm lâm cho thấy, mặc dù số lượng vụ việc được phát hiện, đấu tranh ít hơn so với trước, nhưng tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm vẫn chưa được kiểm soát.
Theo kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến nay, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, vi phạm về quản lý động vật hoang dã là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể động vật hoang dã, đặc biệt 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm.
Thực tế cũng cho thấy, việc tiêu thụ trái phép động vật hoang dã không chỉ tàn sát quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến đa dạng sinh học, môi trường, mà còn khiến nước ta mất đi một phần di sản văn hóa, các điểm du lịch sinh thái quan trọng.
Không chỉ thế, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã còn làm suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội, dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như gia tăng các vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật, hình ảnh, uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều đáng buồn là, do thiếu hiểu biết về tác dụng mong muốn từ các loài động vật hoang dã của một bộ phận không nhỏ người dân, họ đã có những hành xử thô bạo đối với những loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng và được nghiêm cấm săn bắn và giết hại.
Theo kết quả khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng động vật hoang dã tại Hà Nội năm 2014 của Viện Xã hội học và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, có tới 19% người trả lời có ý định hoặc tiếp tục sử dụng thực phẩm làm từ động vật hoang dã, trong đó 34% sử dụng làm thuốc và 17% sử dụng đồ trang trí.
Quản lý chồng chéo và thiếu liên kết
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), cho biết mặc dù thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chính sách và quy định pháp luật về quản lý buôn bán động vật hoang dã; các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, song việc quản lý buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn bất cập và kém hiệu quả.
Theo bà Nhàn, việc tồn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan ban hành về đa dạng sinh học nhưng tiếp cận theo các hệ thống pháp luật khác nhau (pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thủy sản,..) đã dẫn đến những bất cập, chồng chéo và thiếu liên kết, gây khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật.
Ví dụ, Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 2/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành Danh mục giống thủy sản được phép kinh doanh có bao gồm loài rùa hộp ba vạch, trong khi loài rùa này thuộc nhóm 1B (cấm khai thác vì mục đích thương mại trong Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ).
Bên cạnh đó, một số quy định trong các văn bản hiện hành vẫn tạo điều kiện cho việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Đơn cử như quy định tại Thông tư số 90/2008/TT-BNN và Nghị định số 157/2013/NĐ-CP cho phép bán đấu giá và kinh doanh động vật hoang dã, cũng như các sản phẩm liên quan bị tịch thu bao gồm các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cũng khẳng định, công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương vẫn còn thiếu liên kết trong khâu phân công, tổ chức thực hiện. Cụ thể, ở Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường bên cạnh nhiệm vụ làm đầu mối các công ước, Nghị định liên quan, Tổng cục Môi trường là cơ quan thường trực giúp Bộ quản lý bao quát các lĩnh vực chính do Luật Đa dạng sinh học quy định.
Trong khi đó, việc quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học đối với hệ sinh thái rừng và biển lại do các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm nhiệm với các chức năng khác nhau. Về phía các địa phương, bên cạnh sự chồng chéo về chức năng quản lý như ở cấp Trung ương thì nguồn lực quản lý đa dạng sinh học tại các Sở liên quan cũng còn rất hạn chế.
Cần xây dựng cơ chế liên kết bảo tồn
Để có thể thay đổi thực trạng nêu trên, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Bảo tồn đa dạng sinh học cho rằng cần phải kiện toàn khung pháp lý, chính sách về quản lý và bảo vệ các loài hoang dã. Rà soát, điều chỉnh các quy định để xóa bỏ các lỗ hổng, chồng chéo, bất cập trong quản lý nhà nước đối với quản lý đa dạng sinh học.
Cùng với đó, Chính phủ cũng cần phân công rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ/ngành, địa phương ở một số lĩnh vực giao thoa giữa hệ thống pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đa dạng sinh học.
Ngoài ra, Luật Đa dạng sinh học cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là sự hợp tác của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường-Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công an, tư pháp và các cơ quan khác nhau để giải quyết ba vấn đề chính của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã (săn bắt, buôn bán và giảm nhu cầu) một cách toàn diện, đồng bộ.
Mặt khác, các Bộ, ngành và địa địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng. Đặc biệt cần tăng cường công khai thông tin về các vụ vi phạm và đối tượng vi phạm liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, để chặn đà suy giảm đa dạng sinh học cần phải liên kết xây dựng hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn; liên kết xây dựng chương trình phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Môi trường.
Ngoài ra, “các Bộ, ngành và địa phương cũng cần liên kết chia sẻ thông tin, số liệu, nâng cao năng lực quản lý; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học đối với cộng đồng, nhất là các vùng sâu gắn bó với rừng,” ông Liên kiến nghị.
Sáng 22/5 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ míttinh kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2015, với chủ đề “Đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” nhằm khẳng định tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học đối với phát triển kinh tế, xã hội; kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn.
Cũng trong sáng nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Liên kết cùng bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững.” |