Gia Lai: Mất mùa, sức khỏe bị đe dọa nghiêm trọng vì dự án treo

ThienNhien.Net – Dự án quy hoạch suối Hội Phú (Gia Lai) đã được phê duyệt từ năm 2004. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, dự án vẫn chưa được thực hiện, trong khi con suối đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì ô nhiễm.

Được biết, mục tiêu của dự án là biến suối Hội Phú trở thành một dòng kênh xanh, tạo môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị cho thành phố Pleiku. Tuy nhiên, thay vì trở nên xanh, sạch, đẹp thì nhiều năm nay, suối Hội Phú đã biến thành một dòng chảy với dòng nước đen ngòm giữa lòng thành phố. Theo đó, nhiều người dân sinh sống và canh tác ở 2 bên bờ đang phải chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ sự ô nhiễm của dòng suối này.

Suối Hội Phú chảy giữa lòng TP Plieku đang bị ô nhiễm nặng. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Suối Hội Phú chảy giữa lòng TP Pleiku đang bị ô nhiễm nặng. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Suối Hội Phú có tổng chiều dài 15,89km, kéo dài từ xã Diên Phú đến xã Trà Đa, thành phố Pleiku. Nhánh chính con suối dài 6,25km, chảy qua địa phận của 4 phường trung tâm là: Hội Phú, Hoa Lư, Phù Đổng và Ia Kring. Nhiều năm nay, “dòng kênh xanh” nguyên thủy đã bị nhuộm một màu đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Điều đáng nói, dòng nước ô nhiễm này đã ngấm cả vào mạch nước ngầm của nhiều gia đình sinh sống bên bờ suối.

Ông Mai Trung Thành, trú tại đường Quyết Tiến, có nhà sát bờ suối chia sẻ: “Gia đình tôi đã phải bỏ 1 cái giếng vì nước bơm lên bị đen và hôi không thể dùng được. Gia đình đã phải đi xin nước nơi khác. Giếng này gia đình tôi đã nạo vét hết 4 triệu, nhưng chất lượng nước vẫn không thay đổi. Hiện, có 8 – 9 hộ gia đình sống ở đây phải dùng chung 1 giếng. Gia đình này bơm xong, gia đình khác chờ vài tiếng sau mới bơm được nước”.

Còn đối với hàng chục hộ dân làng Plei Ốp, phường Hoa Lư, đang canh tác ở cánh đồng Ia Tốt (sát chân cầu Phù Đổng), nhiều năm nay, do con suối bị ô nhiễm nên nhiều thửa ruộng đã bị bỏ hoang. Trước kia, những người có ruộng ở đây đều canh tác 2 vụ lúa và năng suất khá cao. Nhưng từ ngày khu dân cư bên bờ suối được xây dựng, đất đá hai bên bờ theo mưa trôi xuống khiến cho dòng nước khó thoát, gây ngập úng cục bộ, toàn bộ hoa màu trên cánh đồng gần 20ha vì thế mà bị nhấn chìm, không thể canh tác.

Nhiều diện tích trồng lúa của dân làng Plei Ốp phải bỏ hoang vì suối ô nhiễm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Nhiều diện tích trồng lúa của dân làng Plei Ốp phải bỏ hoang vì suối ô nhiễm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Anh Rcom Duk, người làng Plei Ốp đang canh tác lúa ở cánh đồng này bộc bạch: “Nước ở đây ô nhiễm lắm! Làm lúa ở đây, xuống nước tới chỗ nào là ngứa tới chỗ đó luôn, ghẻ tay, ghẻ chân. Mùa mưa, ruộng mình bị ngập hết. Để làm ruộng được, mình phải đào lại đường mương. Ngày trước là làm 2 vụ lúa nhưng giờ rất khó khăn vì bị ngập úng thường xuyên”.

Ông Pui A Tuôn, Trưởng ban công tác mặt trận của làng Plei Ốp cho biết, nhiều hộ dân trong làng có ruộng lúa bị ảnh hưởng do suối Hội Phú. Con suối này bị ô nhiễm nặng từ năm 2006 và cũng bắt đầu từ đây, cánh đồng lúa của làng chỉ trồng được 1 vụ. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề này cũng đã kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Nước đã đổi từ màu xanh sang màu đen ngòm.(Ảnh: nguoiduatin.vn)
Nước đã đổi từ màu xanh sang màu đen ngòm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Đồng cảnh ngộ với những nông dân ở làng Plei Ốp, gần 30 hộ dân có ao nuôi cá ven suối Hội Phú cũng đang loay hoay tìm cách cứu sản lượng cá của gia đình.

Ông Lý Công Chính, trú tại tổ 4, phường Hoa Lư, người có thâm niên hơn 20 năm nuôi cá ven suối Hội Phú chia sẻ: Trước kia khi suối còn sạch sẽ, mùa khô, người nuôi cá mở đường dẫn nước suối vào cứu hạn cho ao. Còn bây giờ, ai có ao cũng phải lo ngay ngáy việc nước suối theo mạch ngầm đi vào ao làm chết cá. Nuôi cá trong ao tù, nhiều loại cá ưa sạch như trắm cỏ, cá chép… đều không sống được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Tấn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring (TP Pleiku) thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm ở suối Hội Phú phần lớn là do người dân xả rác và chất thải sinh hoạt xuống. Suối liên quan đến 4 phường của TP Pleiku và một số đơn vị nên việc quản lý rất khó.

Đất đá được người dân tuồn phía trên con suối. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Đất đá được người dân tuồn phía trên con suối. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Ngày 27/01/2004, UBND tỉnh Gia Lai quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết suối Hội Phú. Trong quyết định nêu rõ, quy hoạch được thực hiện từ năm 2004 đến 2015. Ngày 22/8/2014, UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng suối Hội Phú. Lần điều chỉnh này được phân theo 3 đoạn, với tổng diện tích 90,29ha.