ThienNhien.Net – Nhiều giải pháp đã được đưa ra để cứu trẻ em khỏi những hậu quả do nhiễm độc chì ở làng nghề Đông Mai (Hưng Yên) nhưng rồi vẫn đâu vào đấy.
Cách đây vài ngày, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) khám lâm sàng, làm các xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm độc chì, phơi nhiễm chì nặng cho gần 250 trẻ từ 6-12 tuổi ở làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hàng trăm người dân, công nhân liên quan đến việc tái chế chì ở đây cũng được xét nghiệm.
Môi trường nhiễm chì nghiêm trọng
Theo TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, hoạt động nêu trên nhằm đánh giá mức độ nhiễm độc chì, làm căn cứ để Bộ Y tế và tỉnh Hưng Yên đưa ra kế hoạch tẩy độc chì cho người dân, tiếp tục các hoạt động truyền thông phòng chống nhiễm độc chì cho cộng đồng.
Như Báo Người Lao Động từng phản ánh, năm 2007-2008, viện này đã nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, cá biệt có nơi tới 10 lần. Nhiều mẫu nước, thực phẩm nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép nhiều lần.
Đáng lo ngại là năm 2014, kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ ở làng Đông Mai cho thấy 97% nhiễm chì trong máu. Trong số này, 33 trẻ phải tẩy độc chì khẩn cấp do lượng chì máu cao gấp 6-7 lần cho phép. Nhiều trẻ dù gia đình không làm nghề thu gom, tái chế chì nhưng cũng có hàm lượng chì trong máu rất cao. Điều này cho thấy môi trường ở đây bị ô nhiễm chì nghiêm trọng.
Theo ông Hải, những năm trước đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đưa các cháu vượt ngưỡng chì từ 4 lần trở lên điều trị thải độc. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi bỏ điều trị hoặc không tuân thủ liệu trình.
Lý giải việc này, bà Nguyễn Thị Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, cho biết việc vận động gia đình đưa trẻ đi tẩy độc chì rất khó khăn. Mỗi trường hợp điều trị thải độc chì mất khoảng 2 năm với 16 lần thực hiện và kinh phí khoảng hơn 240 triệu đồng. Ngoài vấn đề kinh phí, nhiều gia đình còn cho rằng con họ mới chỉ bị phơi nhiễm chì, chưa phát bệnh nên trì hoãn hoặc bỏ dở điều trị.
Dựa vào kết quả xét nghiệm sẽ có trong tuần tới, ông Hải cho biết Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đề xuất Bộ Y tế cử bác sĩ trung ương về tận địa phương giúp triển khai việc điều trị thải độc chì để người dân đỡ phải đi lại. Tuy nhiên, theo ông Hải, dù trẻ có được tẩy độc chì xong nhưng trở về sống trong môi trường ô nhiễm chì thì vẫn bị nhiễm lại.
“Vì thế, cần tuyên truyền cho người dân không nên mang nguồn chì từ nơi sản xuất về nhà. Hiện nhiều gia đình vẫn sử dụng vỏ bình ắc quy làm bậc lên xuống ở cửa nhà hay để trong vườn, thậm chí làm đồ chơi cho trẻ” – ông Hải lo ngại.
Hỗ trợ dân tẩy độc
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, cho biết tỉnh đã lập dự án để có giải pháp xử lý đất, nước, chất thải rắn nhiễm chì.
Từ nay đến hết năm 2015, tỉnh Hưng Yên sẽ di dời toàn bộ cơ sở tái chế chì đến nơi quy hoạch, đồng thời thay lớp đất mặt ở những nơi ô nhiễm, cô lập 100 tấn đất có hàm lượng chì cao trong những bể chứa. Hơn 40 hộ sẽ được di dời sang 21 ha đất đã quy hoạch cùng với các phương án xử lý nước, đất, chất thải rắn cụ thể. Sau đó, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân tẩy độc chì và xử lý môi trường. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ kinh phí để điều trị tẩy độc cho những trẻ có hàm lượng chì trong máu cao.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu bổ sung thuốc điều trị ngộ độc chì cấp tính và mãn tính vào danh mục được Quỹ BHYT chi trả. Chi phí cho liệu trình điều trị thải độc chì khoảng 240 triệu đồng/trường hợp, trong khi hiện chỉ một số thuốc và xét nghiệm được BHYT thanh toán.
Trẻ em dễ ngấm chì hơn người lớn Từng điều trị cho nhiều trường hợp nhiễm độc chì, bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết với người lớn, nhiễm độc chì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng trẻ em thì phải chịu hậu quả rất nặng nề. Khi vào cơ thể, chì theo máu đến gan, thận, não, tủy, xương, dây thần kinh… khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, mờ mắt, mất tiếng nói, co giật. Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong. Nếu nhiễm độc chì ở mức nặng, trẻ sẽ co giật, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ. Chì tồn tại rất lâu dài, thậm chí suốt đời trong cơ thể nên thải độc cũng đòi hỏi nhiều thời gian, đặc biệt là với trẻ nhỏ, vì mức hấp thụ chì ở trẻ cao và lâu hơn ở người lớn.“Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm độc chì ở làng Đông Mai, hầu hết có hàm lượng chì trong cơ thể cao nhưng họ chỉ điều trị 1-2 đợt rồi không quay lại. Quá trình điều trị thường kéo dài khoảng 2 năm, nếu chỉ điều trị một vài tuần sẽ không thể thải loại được” – bác sĩ Duệ nhấn mạnh. |