Chuyển đổi để ‘né’ thiên tai

ThienNhien.Net – Trước tình trạng hạn hán xảy ra ngày càng khốc liệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa càng trở nên cấp bách.

Ông Phan Huy Thông (thứ ba từ phải sang) thăm mô hình chuyển đổi trên đất lúa tại phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn). (Ảnh: nongnghiep.vn)
Ông Phan Huy Thông (thứ ba từ phải sang) thăm mô hình chuyển đổi trên đất lúa tại phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn). (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tại Bình Định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tổ chức Diễn đàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để tránh thiên tai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển đổi để tồn tại

Khu vực duyên hải Nam Trung bộ đang bị biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động trực tiếp. Kết quả theo dõi của Cục Trồng trọt cho thấy, trong 3 năm gần đây, tại khu vực này hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. Năm 2013, ngay trong vụ ĐX hạn hán đã diễn ra diện rộng kéo dài đến tháng 7 khiến gần 6.000 ha đất lúa phải bỏ trống.

Vụ HT 2014 hạn tiếp tục hoành hành từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận. Toàn vùng có gần 16.200 ha đất lúa bị hạn gây hại, 3.300 ha lúa mất trắng và 9.500 ha hoa màu mất năng suất do thiếu nước tưới. Riêng vụ HT 2015 này, tỉnh Ninh Thuận có 6.100 ha đất lúa không có nước để SX. Khánh Hòa có 571 ha đất lúa dừng SX, 600 ha cây trồng khác phải chuyển đổi do không đủ nước tưới và gần 3.000 ha cây trồng đang oằn mình gánh hạn.

“Theo báo cáo từ các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, nếu không có mưa bổ sung, trong vụ HT 2015 tại 3 tỉnh nói trên sẽ có khoảng 44.000 ha đất canh tác phải dừng SX, chiếm khoảng 38% tổng diện tích đất trồng lúa và hoa màu hàng năm, trong đó tại Ninh Thuận là 10.300 ha, Bình Thuận 21.000 ha và Khánh Hòa 13.600 ha”, ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết.

Trước thực trạng trên, ngoài khuyến cáo việc tưới tiết kiệm nước, Bộ NN-PTNT còn đốc thúc các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ phải khẩn cấp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để ứng phó với hạn hán, nhưng phải bảo đảm được thu nhập cho nông dân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2013-2014, nhiều địa phương trong khu vực đã có những bước chuyển đối đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Năm 2013 toàn khu vực Nam Trung bộ đã chuyển đổi được 6.884 ha. Trong đó, Bình Định đã chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi đất lúa SX kém hiệu quả sang cây trồng cạn được 3.630 ha. Sang năm 2014, việc chuyển đổi trên đất lúa tiếp tục được nhân rộng. Đến nay, trên toàn vùng đã có 10.882 ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, ớt, sắn, các loại rau và cây thức ăn chăn nuôi”.

Vẫn khó

Trước tình trạng hạn hán xảy ra ngày càng khốc liệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nhân rộng mô hình chuyển đổi vẫn còn nhiều trở ngại.

+ “Để chuyển đổi hiệu quả, các địa phương cần có quy hoạch cụ thể từng vùng SX tùy từng điều kiện canh tác, khí hậu, đất đai, thị trường… song song với thiết lập cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm, trong việc này rất cần có sự tham gia của DN tiêu thụ. Quan trọng nhất là phải từng bước cơ giới hóa SX nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để thu hút các DN bao tiêu”, ông Phan Huy Thông.

+ “Hiện các DN cung ứng giống, vật tư nông nghiệp rất mặn mà, song họ bao tiêu sản phẩm lại rất ít, trong khi đây là yếu tố tiên quyết để thành công trong công tác chuyển đổi”, ông Thông nhấn mạnh.

Theo ông Phan Huy Thông, đất SXNN ở Nam Trung bộ quá manh mún, chưa thể quy hoạch vùng SX cho từng loại cây trồng nên chưa thể đưa cơ giới hóa vào, chi phí SX và giá thành sản phẩm còn ở mức rất cao.

Ví như ngô và đậu tương, 2 sản phẩm dùng để chế biến TĂCN dù trong vùng đang SX khá mạnh và rất nhiều DN chế biến TĂCN đóng trên địa bàn nhưng họ vẫn thích nhập nguyên liệu từ nước ngoài vì giá thấp hơn và chất lượng cao hơn.

Thêm vào đó, hệ thống thủy lợi đã được xây dựng chủ yếu để phục vụ SX lúa, tưới là chính, chưa có hệ thống tiêu thoát nước cho cây màu, nhất là trong mùa mưa lũ nên nông dân còn ngại chuyển đổi. Khi chuyển mạnh sang trồng các loại cây màu với quy mô lớn thì lại vấp phải việc tiêu thụ vì mối liên kết giữa SX và tiêu thụ còn lỏng lẻo, trong khi chưa có nhiều cơ sở bảo quản, sơ chế nên dễ dẫn đến mối mọt, hư hỏng.

Tại diễn đàn, mô hình liên kết chuỗi SX cây lạc được thực hiện tại huyện Phù Cát được đưa ra làm điển hình. Trong vụ ĐX 2014-2015, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã lên Đăk Nông để “níu” DN Tất Thắng chuyên chế biến lạc tươi XK về Bình Định để xây dựng mô hình liên kết từ SX đến bao tiêu sản phẩm trên diện tích 50 ha tại xã Cát Hiệp.

Ông Phan Sỹ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Trong mô hình này, cây lạc đã cho năng suất 10 tấn/ha, giá được bao tiêu là 11.000 đ/lạc tươi nên bà con có thu nhập trên 100 triệu đ/ha”.