ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, cây sắn được coi như là cây xóa đói giảm nghèo của bà con nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, diện tích trồng sắn tại nhiều địa phương lại tăng quá nhanh. Thực trạng này không chỉ gây ra nguy cơ xói mòn, suy thoái tài nguyên đất mà còn khiến quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ.
Nông dân trồng tự phát, quy hoạch bị phá vỡ
Từ lâu nay, cây sắn đã trở thành một loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân nhiều địa phương trên cả nước. Song, hiện nay, với tốc độ phát triển quá nhanh, các hộ nông dân ồ ạt trồng sắn, không theo quy hoạch đang khiến diện tích cây sắn tăng mạnh. Thực trạng này đang gây nên nhiều hệ lụy đáng quan ngại là đất trồng bị xói mòn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhiều địa phương bị phá vỡ.
Đơn cử như khu vực Tây Nguyên, nơi đây được coi là “thủ phủ” của cây sắn với diện tích khoảng 150.000 ha, chiếm trên 27% tổng diện tích sắn cả nước. Tuy nhiên, ở thời điểm này, hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đều có diện tích trồng sắn vượt quá quy hoạch. Đắc Lắc là một ví dụ. Địa phương này có diện tích sắn vượt nhanh so với quy hoạch khá nhiều. Nếu như năm 2003 toàn tỉnh chỉ có 9.007 ha thì đến năm 2014, diện tích sắn của tỉnh đã lên đến trên 30.000 ha.
Không thể phủ nhận những đóng góp của cây sắn trong việc xoá đói giảm nghèo cho người dân ở các vùng khó khăn, điều kiện đất đai không tốt. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, nếu cứ để tình trạng nông dân trồng tự phát như hiện nay, nếu không có kế hoạch phát triển phù hợp thì loại cây trồng này sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, nguy cơ “sa mạc hoá”, mất cân bằng sinh thái sẽ xảy ra trong những năm tới trên những diện tích trồng sắn là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải làm sao để phát triển bền vững cây sắn, tránh nguy cơ ngành sắn bị tàn phá dẫn đến những hệ lụy không nhỏ về môi trường, sinh thái…
Phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu
Tại hội nghị liên quan đến việc bàn giải pháp để phát triển ngành sắn một cách bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đánh giá về thực trạng ngành sắn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng nêu lên thực trạng, nông dân ở nhiều địa phương cứ trồng sắn một cách ồ ạt, tự phát, lại không áp dụng quy trình chặt chẽ, đã dẫn tới tình trạng xói mòn đất, làm lây lan bệnh nấm hồng… tàn phá ngành sắn. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho rằng, cần phải xác định rõ, phát triển cây sắn không phải là để Việt Nam có nhiều sắn mà là giúp người dân có thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn.
Trước thực trạng nhiều địa phương có nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành sắn, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu chính quyền các địa phương cần xem lại vai trò giám sát của mình. “Việc trồng sắn phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường là do các cấp ban ngành liên quan, nhất là vai trò chính quyền ở địa phương chưa sâu sát, quyết liệt trong việc hướng dẫn người nông dân tuân thủ quy hoạch, thực hiện đúng quy trình trồng sắn” – Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.
Từ cây lương thực xóa đói giảm nghèo, giúp cải thiện đời sống người dân, cây sắn đã và đang trở thành một trong số những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, năm 2014, xuất khẩu sắn đạt kim ngạch gần 1,5 tỷ USD, là một trong 10 cây có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, từ lâu nhiều địa phương cũng đã có định hướng trồng cây sắn làm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nông dân cũng đã dần thay thế các giống sắn cũ bằng các giống sắn công nghiệp mới cho năng suất cao với mục tiêu làm nguyên liệu cho chế biến tinh bột, xăng sinh học Etanol và lĩnh vực y tế… Tuy nhiên, nếu nhà quản lý vẫn để người dân vô tư trồng sắn, phá vỡ quy hoạch như ở nhiều địa phương đang diễn ra hiện nay, thì vô hình trung cây sắn từ có thế mạnh lại trở thành… thế yếu.
Bởi vậy, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trước mắt cần phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, phải ngăn chặn ngay tình trạng mở rộng diện tích trồng sắn quá mức. Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đảm bảo năng suất bình quân cả nước trên 30 tấn/ha. Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất xăng sinh học Ethanol, giảm dần và tiến tới ngừng hẳn việc xuất khẩu thô (sắn lát). Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương cần hướng dẫn, khuyến cáo bà con nông dân thực hiện trồng theo hình thức rải vụ để tránh tình trạng ứ đọng sản phẩm, được mùa rớt giá…khi vào cao điểm thu hoạch.