ThienNhien.Net – Báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang trong buổi làm việc mới đây với ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bà Võ Thị Vân, Phó Giám đốc Thường trực Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị nhiều vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý ngành tại địa phương.
Qua rà soát những khó khăn, vướng mắc của các quy định pháp luật, cơ chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ, ngành có liên quan, sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ quan quản lý ở địa phương thực hiện; xây dựng dự thảo Luật Khí tượng thủy văn quy định cụ thể thẩm quyền quản lý, bảo vệ hành lang các công trình khí tượng thủy văn tại địa phương.
Về Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề đã và đang diễn ra, đối với Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng. Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, là nơi được dự báo là một trong 03 đồng bằng trên thế giới sẽ bị ngập sâu dưới tác động của BĐKH. Vì vậy, kiến nghị với Chính phủ, Bộ TN&MT trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch quốc gia về ứng phó với BĐKH cần xác định Kiên Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, giúp tỉnh ứng phó tốt hơn trước tác động của BĐKH.
Đặc biệt sớm ban hành Thông tư liên tịch quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý sử dụng tiền khu vực biển để địa phương sớm triển khai thực hiện hiệu quả việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đã có hiệu lực từ ngày 15/7/2014.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang cũng đã có phân tích những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật về giải quyết ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới; Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo hướng dẫn phân loại tại Thông tư 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 và Thông tư 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của Bộ TN&MT hiện còn đang gặp khó khăn, vướng mắc, Bộ cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục rút khỏi và chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong nhân dân, nguyên nhân chủ yếu là từ quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, nội ô thành phố. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cần phải di dời các đối tượng này vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch phù hợp với quy mô, loại hình kinh doanh sản xuất của từng đơn vị. Tuy nhiên, cần phải có thời gian, kinh phí và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện.