ThienNhien.Net – Vùng đất ngập nước và biển ven bờ nằm trong số những thành phần sinh thái đa dạng và giàu có của biển Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng trong việc làm sạch môi trường nước, giảm xói lở và là vùng đệm chắn sóng, bão, giảm nhẹ tác động nước biển dâng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã làm suy giảm nghiêm trọng chức năng vốn có của hệ sinh thái ven bờ, khó có khả năng phục hồi…
Hệ sinh thái quan trọng đang dần bị “xóa sổ”
Trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng của hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển do những tác động của con người lên hệ sinh thái rạn san hô thông qua việc lấn biển, khai thác quá mức.
Cùng với những tác động trực tiếp của con người, BĐKH là nhân tố chính đang đe dọa các hệ sinh thái quan trọng này trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện tượng El-Nino có chiều hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ trong thời gian gần đây đã làm nhiệt độ nước biển tăng cao. Điều này cùng với bức xạ mặt trời vượt khả năng chịu đựng của san hô đã làm cho chúng trở thành màu trắng (hiện tượng tẩy trắng san hô).
Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến hiện tượng tẩy trắng san hô vào tháng 10/2005 ở Côn Đảo gây chết hàng loạt san hô, hầu hết là loại san hô cứng tập trung ở phía Tây Bắc quần đảo. Từ đó, nhóm động vật có giá trị kinh tế sống ở vùng nước có rạn san hô quanh khu vực này như: Cá mú, cá hồng, cá mỏ… không còn bắt gặp nữa. Mật độ động vật không xương sống cũng giảm nhiều, sinh vật đáy như ốc đụn, trai tai tượng, cầu gai chết hàng loạt, thối rữa nổi trên rạn. Các sinh vật đáy khác còn sống nhưng cũng yếu đi rất nhiều. Đặc biệt, toàn bộ 11 con trai tai tượng có kích thước rất lớn nuôi giữ tại bãi Ông Đụng đều bị chết.
Kết quả đo đạc nhiệt độ và độ muối tại các khu vực san hô bị chết cho thấy, trong tháng 10/2005, nhiệt độ nước biển tại Côn Đảo cao tới 300C trong nhiều ngày; cá biệt trong các ngày 11 – 12/10/2005, nhiệt độ nước biển cao hơn 310C. Cùng thời điểm này, độ mặn nước biển giảm xuống còn 25%o và kéo dài trong 7 ngày. Hiện cơ quan khí tượng thủy văn dự báo El – Nino sẽ quay trở lại Việt Nam vào năm nay. Điều này khiến các nhà khoa học không khỏi lo lắng cho sự sống còn của hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực khác.
Hệ sinh thái thảm cỏ biển cũng đang chịu ảnh hưởng xấu từ các biểu hiện tiêu cực của BĐKH. Sự gia tăng nhiệt độ nước biển đã làm thay đổi mùa sinh trưởng, gia tăng việc bùng phát động thực vật phù du… làm thay đổi môi trường theo chiều hướng bất lợi cho sự phát triển của thảm cỏ biển. Ngoài ra, BĐKH còn làm tăng chiều hướng axit hóa đại dương và các cơn bão nhiệt đới, axit và sóng lớn có khả năng tàn phá các rạn san hô, thảm cỏ biển…
Khó phục hồi, mất khả năng chống chịu
Theo các nhà khoa học, san hô Việt Nam rất khó phục hồi sau khi bị tẩy trắng bởi ngoài áp lực từ nhiệt độ nước biển tăng cao, hiện tại hệ sinh thái này còn đang phải gánh chịu ô nhiễm môi trường, sự đánh bắt quá mức của con người làm phá vỡ chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái san hô. Sự gia tăng độ đục của các dòng sông mang phù sa ra biển do xói lở đường bờ cộng với nước biển cũng góp phần làm suy giảm ánh sáng trong nước tới rạn san hô… Kết quả, san hô sẽ bị suy thoái mạnh hơn, chức năng bảo vệ chống xói mòn cũng bị ảnh hưởng đáng kể do tác động của BĐKH, nước biển dâng.
Tuy chưa có kết quả nghiên cứu về tác động của BĐKH tới sự phát triển của rừng ngập mặn song, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, nước biển dâng có thể tác động xấu tới hệ sinh thái này bởi các cây ngập mặn chỉ sống được khi thời gian ngâm rễ dưới nước nhỏ hơn một giá trị nào đó. Nếu lượng lắng đọng bùn cát tại khu vực rừng ngập mặn không vượt quá mức nước biển dâng, thời gian ngập rễ của rừng sẽ gia tăng, kết quả là một số cây không chịu được ngập dài ngày sẽ chết. Hơn thế nữa, sự dâng cao mực nước biển sẽ dẫn tới gia tăng trường sóng sát rừng ngập mặn. Sóng lớn đánh thẳng vào rừng sẽ gây xói lở bãi, làm suy giảm hoặc biến mất rừng và dẫn tới suy giảm chức năng bảo vệ bờ biển của “vành đai xanh chắn sóng” này.
Để có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tác động của nước biển dâng, BĐKH lên vùng đất có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao này, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo Việt Nam đề xuất: Cần tăng cường triển khai và áp dụng phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ để giúp giải quyết các vấn đề đang tồn tại, yếu kém trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vê môi trường vùng bờ tại các địa phương; qua đó từng bước nâng cao khả năng thích ứng BĐKH và nước biển dâng trong tương lai. Giải pháp này có hiệu quả ngay cả khi BĐKH và nước biển dâng không xảy ra, vì vậy phải đặt nó ở vị trí ưu tiên cao nhất.