ThienNhien.Net – “Trong 16.683 tỷ đồng tổng chi cho biến đổi khí hậu, tương đương 0,1% GDP cho năm bộ thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ được dùng cho các hoạt động trực tiếp về ứng phó với biến đổi khí hậu”, TS. Phạm Hoàng Mai – Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết.
Ngày 21/5, tại Khách sạn Sofitel, Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo về sử dụng ngân sách cho ứng phó với biển đổi khí hậu (BĐKH) có hiệu quả ở Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP). Bản báo cáo cũng chỉ ra, các hoạt động ứng phó với BĐKH của Việt Nam cần được lồng ghép thành nội dung của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới và các năm tiếp theo.
Bản báo cáo phân tích và dựa trên chi phí ứng phó với BĐKH của năm bộ (gồm: Bộ GTVT, Bộ NN&PTNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương), chiếm tỷ lệ 18% trong ngân sách của các bộ và giữ mức độ khá ổn định.
Chi cho ứng phó với BĐKH của Bộ NN&PTNT chủ yếu dành cho các dự án đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi có khả năng chống chịu với BĐKH, chiếm 73%. Ngoài ra, 7% để phát triển nông thôn và an ninh lương thực, 5% phát triển rừng, 2% cho các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ và xã hội (bao gồm: dự án nghiên cứu về tác động của BĐKH đối với sản xuất lúa gạo, và nghiên cứu về ảnh hưởng của quá trình xâm nhập mặn tới năng suất vụ mùa). 85% tổng ngân sách đầu tư cho ứng phó với BĐKH được Bộ GTVT chủ yếu dùng cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, chỉ có 7% để chi cho bảo vệ bờ biển và đê kè, gần 9% kinh phí còn lại dành cho thuỷ lợi…
Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường dùng 61% tổng chi cho ứng phó với BĐKH cho phát triển khoa học và công nghệ. Trong khi đó, vốn dành cho ứng phó với BĐKH của Bộ Công thương không lớn, nhưng ngày càng chú trọng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các dự án tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các cơ sở công cộng. Cuối cùng, Bộ Xây dựng được đánh giá là có mức chi cho ứng phó với BĐKH thấp nhất trong năm bộ. Ngân sách chi đầu tư của bộ chỉ dành 22 tỷ đồng cho công tác này trong giai đoạn 4 năm, bao gồm cả vốn cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
Tuy nhiên, TS. Phạm Hoàng Mai – Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Trong 16.683 tỷ đồng tổng chi cho BĐKH, tương đương 0,1% GDP cho năm bộ thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ được dùng cho các hoạt động trực tiếp về ứng phó với BĐKH”. Cụ thể, các hoạt động giải quyết tình trạng xâm nhập mặn (chiếm 1,8% tổng chi cho ứng phó với BĐKH), chất lượng và cấp nước (0,02%). Đặc biệt, chúng ta mới chỉ huy động một lượng vốn khiêm tốn cho các hoạt động giảm nhẹ như: hoạt động sản xuất năng lượng ít phát thải các bon (0,02% hoặc 4 tỷ đồng), các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (0,45% hoặc 76 tỷ đồng…
Còn bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Lồng ghép biến đổi khí hậu vào ngân sách sẽ nâng cao khả năng thích ứng của Việt Nam đối với những tác động của tình trạng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, giúp các cộng đồng ít bị tổn thương hơn và giải quyết những thách thức về phát thải trong khi Việt Nam tiến bước trên hành trình tiến tới một tương lai xanh hơn, thích ứng tốt hơn và thịnh vượng hơn”.