ThienNhien.Net – Sau 18 năm tranh cãi, Thượng viện Italy đã thông qua dự luật về bảo vệ môi trường, theo đó việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn tới thảm họa về môi trường, buôn bán các nguyên liệu gây ô nhiễm đều bị coi là tội hình sự và có thể chịu mức án tù lên tới 15 năm.
Ngày 19/5, dự luật về bảo vệ môi trường vừa được thông qua với 107 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 21 phiếu trắng, được báo chí nước này coi là sự tiến bộ của luật pháp Italy trong việc chống lại các hành động gây hại đến môi trường đang ngày càng gia tăng ở nước này.
Rất nhiều vụ bê bối đã xảy ra trong những năm qua sau khi các bãi chôn rác thải công nghiệp độc hại trên diện rộng do mafia kiểm soát ở vùng nông nghiệp trù phú Campania bị phát hiện. Dư luận Italy đã rất bức xúc trước sự bất lực của cơ quan công quyền ở nhiều nơi trong vùng này khi tỉ lệ ung thư cao nhất nước được cho là có liên quan tới việc chôn rác thải của mafia khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Nhiều phiên tòa khác, liên quan đến các tấm lợp có chứa amiang gây ra cái chết của hàng nghìn người ở miền Bắc Italy trong nhiều năm qua, hay ô nhiễm nguồn nước ở vùng Abruzzo do một bãi xử lí rác khổng lồ, đều không kết án được kẻ có trách nhiệm do quá thời hiệu điều tra.
Việc nâng gấp đôi thời hiệu điều tra và nâng khung hình phạt tù lên 15 năm được coi là câu trả lời của Italy cho các tội phạm này, chấm dứt tình trạng một loạt các cuộc điều tra và phiên tòa liên quan đến tội phạm môi trường không thể xét xử được, gây bức xúc lớn trong dư luận.
Chủ tịch Thượng viện Italy Pietro Grasso, trong một thông điệp gửi trên trang twitter cá nhân của mình, cho rằng dự luật này đáp ứng yêu cầu về công lí và bảo vệ môi trường cho Italy. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Andrea Orlando khẳng định dự luật bảo vệ môi trường vừa được thông qua là bước ngoặt lịch sử của Italy trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.
Theo dự luật vừa được thông qua, những người gây ô nhiễm nguồn nước, đất hoặc không khí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về môi trường tùy theo mức độ sẽ bị phạt tù từ 2 đến 6 năm và phạt từ 10 nghìn đến 100 nghìn euro. Nếu những ô nhiễm đó gây ra cái chết cho một hoặc nhiều người, mức án tù sẽ từ 2 năm 6 tháng cho đến 10 năm. Người gây ra thảm họa môi trường có thể chịu khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù. Việc vận chuyển trái phép các nguyên liệu phóng xạ cũng có thể nhận mức tù từ 2 đến 6 năm. Trong khi đó, việc ngăn cản nhà chức trách tiến hành kiểm tra, kiểm soát môi trường có thể chịu mức án tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Số vụ vi phạm môi trường ngày càng gia tăng ở Italy đã ảnh hưởng đến hình ảnh của nước này trên thế giới. Báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết về vụ án tấm lợp của hãng Eternit khi cái chết của rất nhiều công nhân hãng này cũng như khách hàng sử dụng các tấm lợp được chứng minh là có liên quan đến hàm lượng amiang quá cao. Một vụ việc nổi cộm khác là việc các nhà máy thép của hãng Ilva ở Taranto, miền Nam Italy, không được lắp các hệ thống xử lí khí thải hiệu quả khiến vùng này bị ô nhiễm.